Quy trình mở quầy thuốc cho người mới bắt đầu. 7 bước để bắt đầu kinh doanh quầy thuốc hiệu quả

Hướng dẫn quy trình mở quầy thuốc đạt chuẩn GPP cho người mới bắt đầu

Sở hữu một quầy thuốc hay một nhà thuốc là mơ ước của rất nhiều sinh viên khi bắt đầu học ngành Dược học hay khi vừa mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay trung cấp dược. 

Tại sao lại không mơ ước nhỉ: Được tự mình làm chủ, được mở quầy thuốc, nhà thuốc, được kinh doanh những sản phẩm dược phẩm mà mình đã học khi còn ở trên ghế nhà trường, lại còn có thể mở ở bất cứ nơi đâu mình mong muốn, dù đó là trên thành phố hay mình về quê lập nghiệp. Thuốc lại là mặt hàng luôn luôn có nhu cầu, dù trong bối cảnh kinh tế phát triển hay khi tinh tế suy thoái, đã ốm là mọi người sẽ bắt buộc phải mua thuốc về sử dụng. 

Đặc biệt ở Việt Nam, khi mà chi phí đi khám y tế ở bệnh viện còn đắt đỏ và mất nhiều thời gian, quầy thuốc và nhà thuốc luôn là những lựa chọn đầu tiên khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng. Và thực sự, khách hàng khi mua các mặt hàng thông dụng sẽ tự tìm hiểu và khi mua sẽ có nhiều kén chọn nhiều về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng. Còn khách hàng mua các loại dược phẩm sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hai yếu tố quyết định đó là dược sĩ tư vấn và giá thành phẩm.

Vì những lí do đó, kinh doanh thuốc luôn là một nghề có tính ổn định cao và nhàn nhã trong mắt nhiều người. Còn thực tế khi kinh doanh dược sẽ có rất nhiều điều cần phải học, nhiều khó khăn, thách thức cần đối mặt. Sự bùng nổ của chuỗi các cửa hàng dược phẩm và các cửa hàng online, sự cạnh tranh về số lượng các nhà thuốc, quầy thuốc truyền thống, và những quy định chặt chẽ của luật Dược sẽ là những điều mà khi các dược sĩ kinh doanh dược phẩm cần phải lưu ý.

Tuy nhiên, mình tin rằng nghề nào cũng sẽ có những cơ hội và thách thức nhất định. Mở quầy thuốc, nhà thuốc là việc đòi hỏi nhiều cố gắng và nỗ lực, nhưng nếu có sự chuẩn bị đầy đủ và bài bản ngay từ đầu, thành công sẽ ở gần với bạn hơn. 

Bài này, mình sẽ hướng dẫn các bạn các bước từ bước chuẩn bị cho đến bước khai trương mở quầy thuốc hiệu quả.

(Nếu các bạn chưa rõ về sự khác nhau giữa nhà thuốc và quầy thuốc, mình nên mở và được phép mở nhà thuốc hay quầy thuốc thì bạn có thể tham khảo thêm bài viết này: PHÂN BIỆT QUẦY THUỐC VÀ NHÀ THUỐC

Nếu các bạn muốn tìm hiểu quy trình, thủ tục mở nhà thuốc thì xem ở đây: Quy trình mở nhà thuốc GPP)

BƯỚC 1: CÁC BƯỚC CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI MỞ QUẦY THUỐC

Trước khi kinh doanh quầy thuốc hay kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì, bước chuẩn bị là vô cùng quan trọng. Phần này bạn sẽ cần chuẩn bị những bước sau:

Phần 1: Chuẩn bị bằng cấp chuyên môn của dược sĩ

Yêu cầu bằng cấp của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược và người trực tiếp bán lẻ thuốc ở quầy thuốc như sau:

- Để mở được quầy thuốc: Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc phải có bằng dược sĩ đại học, dược sĩ cao đẳng, dược sĩ trung cấp và ít nhất 18 tháng thực hành chuyên môn tại cơ sở phù hợp.

- Để trực tiếp bán thuốc tại quầy thuốc: Nhân viên bán thuốc tại quầy thuốc phải có bằng đại học dược, cao đẳng dược, trung cấp dược. Người có bằng sơ cấp dược có thể bán thuốc tại quầy nhưng không được phép trực tiếp cung cấp thông tin cho người mua thuốc độc, thuốc kê đơn .

- Nếu bạn không có bằng cấp trên và vẫn muốn mở quầy thuốc:  Bạn có thể lựa chọn hợp tác kinh doanh với người có đủ điều kiện trên. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm của quầy thuốc và nhân viên trực tiếp tư vấn thuốc phải đủ điều kiện như ở trên.

{Bạn có thể tham khảo thời gian học đại học dược, cao đẳng dược, trung cấp dược hay sơ cấp dược tại  ĐÂY}

Phần 2: Chuẩn bị kinh nghiệm trước khi mở quầy thuốc

Thông thường sau khi đã tốt nghiệp ngành dược học, các dược sĩ đã có kiến thức cơ bản về cách sử dụng một số loại thuốc thiết yếu. Tuy nhiên để trở thành chủ quầy thuốc và kinh doanh thành công thì mọi người nên làm việc tại các nhà thuốc, quầy thuốc để chuẩn bị những kinh nghiệm thực tế, cách tư vấn, trao đổi với bệnh nhân; cách nhập hàng, hay cách sử dụng các loại dược phẩm thông dụng bao gồm cả thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng), mỹ phẩm, và một số loại thiết bị y tế. 

Mình thấy để có những kiến thức, kĩ năng cần thiết trong việc kinh doanh nhà thuốc, các dược sĩ có thể dành 6 tháng – 18 tháng để thực hành tại các quầy thuốc. Để rút ngắn thời gian, các bạn cũng có thể tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu dành cho dược sĩ bán lẻ thuốc.

Phần 3: Lập bản kế hoạch kinh doanh quầy thuốc

kế hoạch kinh doanh quầy thuốc

Kinh doanh dược phẩm hay kinh doanh bất cứ sản phẩm nào, điều quan trọng nhất bạn cần làm trước khi trực tiếp đầu tư đó chính là lập bản kế hoạch kinh doanh. Với mình bản kế hoạch kinh doanh quầy thuốc ít nhất sẽ trả lời được những câu hỏi sau:

  1. Mục tiêu kinh doanh quầy thuốc của bạn là gì?
  2. Bạn định mở quầy thuốc ở khu vực nào và ở vị trí nào?
  3. Kinh doanh quầy thuốc cần những chi phí như nào? Bạn cần chuẩn bị bao nhiêu vốn trước khi mở quầy thuốc?
  4. Thiết kế quầy thuốc của bạn như nào? Định vị thương hiệu như nào?

1. Mục tiêu kinh doanh quầy thuốc

Có rất nhiều mục tiêu khi bạn muốn kinh doanh quầy thuốc, có thể là bạn muốn chủ động về thời gian, có thể bạn muốn làm việc ở gần nhà, hoặc bạn thích những công việc không phải đi lại quá vất vả, thích tìm hiểu và tư vấn sức khỏe cho mọi người, tuy nhiên mục tiêu quan trọng nhất quyết định sự thành công và phát triển của quầy thuốc vẫn sẽ là lợi nhuận. Bạn mong muốn lợi nhuận khi kinh doanh quầy thuốc là bao nhiêu? Bao nhiêu sẽ là đủ để bạn quyết định mở quầy thuốc, bao nhiêu sẽ là giới hạn để bạn phải ngừng kinh doanh và chuyển qua hướng khác hay chuyển sang địa điểm khác?

2. Tìm hiểu khu vực

Một yếu tố cực kì quan trọng trong việc quyết định khu vực mở quầy thuốc mà bạn phải đặt lên đầu tiên đó là: Khu vực này có được phép mở quầy thuốc hay không? Theo quy định của Luật Dược, quầy thuốc chỉ được phép mở tại địa bàn các xã, thị trấn. Bạn cũng mở mới tại các địa bàn vừa chuyển lên phường và còn chưa đủ cơ sở bán lẻ thuốc, tuy nhiên bạn sẽ phải chuyển đổi lên nhà thuốc sau khi hết hạn giấy phép thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP), tức là sau 03 năm kể từ khi hoạt động. 

Các vấn đề khác cần quan tâm khi mở quầy thuốc ở địa bàn xã, thị trấn là:

- Tìm hiểu về nhân khẩu học: 2 đối tượng thường hay mua thuốc ở quầy thuốc nhất đó chính là người già và trẻ em. Nhất là ở nhiều khu vực nông thôn, khi nhiều thanh niên đi làm xa nhà, đa số sẽ là người già và trẻ em ở lại.

- Đánh giá tình trạng giao thông: Nếu có điều kiện, nên xem xét các vị trí gần các cơ sở y tế, bệnh viện hoặc gần chợ dân sinh. Nếu không, vị trí quầy thuốc của bạn nên ở mặt đường lớn, xe cộ dễ dàng qua lại và có vỉa hè để đỗ xe thuận lợi.

- Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh: Hãy xem xét những quầy thuốc xung quanh khu vực bạn định mở. Tốt nhất là trong vòng 500m - 1000m không có nhà thuốc nào khác, nếu đã có nhà thuốc, bạn có thể tìm hiểu thêm các yếu tố sau: 

  • Số lượng số hộ dân trong khu vực bạn định mở: Bạn có thể hỏi các trưởng xóm, trưởng thôn để tìm hiểu thông tin này.
  • Số lượng quầy thuốc trong vòng 500-1000m: Theo một thông tin mình đọc được, một quầy thuốc nên phục vụ được ít nhất 500 hộ dân thì kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Ví dụ như tổ dân phố nơi bạn mở có khoảng 1000 hộ dân và đã có 3 - 4 nhà thuốc thì có thể khu vực đó không có nhiều thuận lợi để kinh doanh tốt.
  • Điểm mạnh của những quầy thuốc sẵn có, điểm khác biệt trong dịch vụ của bạn so với họ: Bạn có thể tự mua thuốc thử hoặc tìm hiểu thông tin của quầy thuốc qua những người dân sống ở khu vực gần đó.

3. Chọn vị trí mở quầy thuốc

Sau khi đã chốt được khu vực kinh doanh mong muốn, bạn hãy bắt tay vào tìm một cửa hàng cụ thể để kinh doanh. Một số yếu tố bạn cần cân nhắc như:

- Yêu cầu cơ bản của quầy thuốc: Bố trí nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm. Quầy thuốc có môi trường riêng biệt hoàn toàn với các phòng khác. Nếu không, nên có vách ngăn kín cách biệt.

- Diện tích quầy thuốc: Tối thiểu khu vực trưng bày thuốc là 10m2 theo quy định. Tuy nhiên bạn nên tìm hiểu các cửa hàng xung quanh và có thể thuê diện tích to hơn tầm 20-40m2 (tùy theo điều kiện) để tiện thiết kế, trưng bày sản phẩm và tạo ra sự khác biết với những quầy thuốc khác. 

- Vị trí: Nên cách xa các cửa hàng thuốc đã có, càng xa càng tốt. 

- Kiểm tra luật quy hoạch: Để kinh doanh quầy thuốc có lãi và tạo được sự tin tưởng từ khách hàng là một quá trình lâu dài và cần đầu tư thời gian và công sức. Nếu bạn đã chốt được cửa hàng, nên kiểm tra kĩ quy hoạch ở vị trí đó, tránh khi mới mở đã phải bị đóng cửa vì đất ở trong vùng quy hoạch.

- Đánh giá chi phí: Đánh giá chi phí thuê nhà cùng với chi phí để sử dụng các tiện ích khác. Tốt nhất giá thuê chỉ chiếm 40% tổng lợi nhuận kinh doanh mà quầy thuốc thu về được.

4. Tìm hiểu các chi phí để vận hành quầy thuốc

Thông thường, tổng số vốn để mở quầy thuốc ở xã và thị trấn dao động khoảng 70 - 150 triệu tùy thuộc vào quy mô quầy thuốc của bạn. Trong đó có một số các chi phí như sau:

- Chi phí thuê mặt bằng: Khoảng từ 1 - 3 triệu. (Nếu bạn sử dụng nhà của mình để mở hiệu thuốc luôn, bạn cũng nên tính chi phí thuê mặt bằng theo chi phí chung để tính được hiệu quả kinh doanh nhà thuốc)

- Chi phí cải tạo mặt bằng và đầu tư trang thiết bị (tủ, kệ, điều hòa): 20 - 50 triệu, hoặc có thể hơn.

- Chi phí bằng hợp tác chuyên môn: 0.5 - 2 triệu (nếu bạn sử dụng bằng của mình, bạn cũng nên tính chi phí này vào)

- Chi phí thẩm định để mở nhà thuốc đạt chuẩn GPP: Nếu bạn tự làm, khoản chi phí này có thể rơi vào khoảng 1 - 3 triệu đồng, nếu bạn thuê dịch vụ bên ngoài, chi phí này có thể hơn

- Chi phí phần mềm quản lý nhà thuốc: khoảng 50 - 100 nghìn đồng/ tháng, hoặc có thể sử dụng loại phần mềm trọn đời tầm 2 – 3 triệu. 

- Chi phí lương nhân viên (nếu cần): 3 - 6 triệu lương cứng/ tháng/ 1 người.

- Chi phí mua thuốc: 50 - 100 triệu, tùy vào quy mô quầy thuốc

- Các chi phí khác: Chi phí marketing, chi phí điện nước, thuế,....

5. Lập bảng cân đối tài chính

Sau khi đã có được bản sơ lược các chi phí bạn cần bỏ ra để mở quầy thuốc, bạn cần lập bảng cân đối tài chính để tính toán được tương đối mục tiêu doanh thu bán hàng mỗi tháng, mỗi ngày của bạn để có thể kinh doanh có lãi. Nên tính toán và chuẩn bị dự trù khoản tiền chi phí phải chi từ 6 tháng – 1 năm để đề phòng kinh doanh chưa có lãi ngay được.

Nếu sau khi lập bảng cân đối tài chính kế toán mà bạn chưa thấy khả thi và doanh số dự kiến không thể bù được các chi phí bỏ ra, bạn có thể cân nhắc và tìm hiểu lại các bước trong  này. 

Bạn không nhất thiết phải chuẩn bị các phần 1, 2, 3 theo đúng thứ tự mà mình đã ghi mà bạn có thể đồng thời thực hiện các mục này hoặc vừa thực hiện phần 1, đồng thời phần 2, 3. Trong quá trình thực hiện các bước, bạn luôn có thể sửa đổi lại bản kế hoạch của mình để phù hợp và thực tế hơn. Nên nhớ, đừng chỉ suy nghĩ Kế hoạch ở trong đầu của bạn, hãy viết ra bằng giấy hoặc bằng máy tính, mọi thứ dần dần sẽ hiện ra rõ ràng hơn.

BƯỚC 2: QUY TRÌNH THIẾT KẾ QUẦY THUỐC

Lưu ý khi kí hợp đồng thuê quầy thuốc

Nếu đã chọn được địa điểm ưng ý cho hiệu thuốc của mình, bước tiếp theo là bạn hãy bắt tay vào để kí hợp đồng thuê nhà với chủ nhà. Bạn hãy kiểm tra thật kĩ các điều khoản chi tiết trong hợp đồng cho thuê kinh doanh, trong đó cần thỏa thuận kĩ một số yếu tố sau:

- Giá thuê mặt bằng: Thanh toán theo tháng, quý hay theo năm. Cần ghi rõ điều khoản tăng giá lần sau (Ví dụ chỉ tăng giá hơn 5 -10% so với giá thuê liền trước).

- Thời gian cho thuê: Quầy thuốc là hình thức kinh doanh đòi hỏi thời gian lâu dài và hơn nữa giấy phép kinh doanh nhà thuốc sẽ thường có thời hạn 3 năm. Bạn nên thương lượng thời gian thuê lâu dài, ít nhất 1-3 năm hoặc tốt nhất là 3 năm tùy vào điều kiện tài chính và kế hoạch của bạn. Chú ý rằng, nếu còn hạn giấy phép kinh doanh mà chủ nhà đòi lại cửa hàng, bạn sẽ phải tìm kiếm cửa hàng mới một lần nữa và xin tái thẩm định lại tại địa điểm mới.

-  Điều khoản tu sửa mặt bằng: Chắc chắn bạn sẽ có thể phải cải tạo lại quầy thuốc để đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh thuốc. Bạn nên trao đổi rõ với chủ nhà về những chi tiết có thể sửa và không thể sửa được.

Thiết kế quầy thuốc

Sau khi đã chốt được vị trí mở cửa hàng, hãy bắt đầu vào xây dựng một không gian thân thiện và phù hợp với định vị quầy thuốc của bạn. Mình có một số gợi ý cho bạn về những điều bạn có thể cân nhắc khi thiết kế nhà thuốc:

- Bố cục tổng thể: Yêu cầu trần nhà phải có tường chống bụi. Tường và nền nhà phẳng nhẵn, dễ vệ sinh và dễ lau rửa. (Chú ý khi thuê mặt phằng, nếu những cửa hàng chưa đáp ứng cầu này thì cần phải thỏa thuận trước với chủ nhà về những điều được phép sửa chữa và cũng cần tính toán chi phí cải tạo vào trong bảng cân đối tài chính).

- Xây dựng thương hiệu: Để có làm nổi bật và khiến mọi người dễ nhận và dễ nhớ đến quầy thuốc của bạn, việc xây dựng nhận diện thương hiệu là rất cần thiết. Bước cơ bản nhất của việc xây dựng thương hiệu đó chính là thiết kế logo, khẩu hiệu, các yếu tố hình ảnh và màu sắc nhất quán. Bao gồm cả màu sắc của hệ thống tủ kệ, biển báo.

      Hiện nay việc thiết kế logo, khẩu hiệu không quá khó. Nếu bạn muốn mở quầy thuốc quy mô lớn và có sẵn nguồn lực tài chính, bạn có thể thể thuê một đơn vị thiết kế theo yêu cầu của chính mình. Nếu yêu cầu không quá đặc biệt, bạn có thể dễ dàng tự làm được với các phần mềm thiết kế tiện dụng hiện nay như Canva.

Quy trình mở quầy thuốc cho người mới bắt đầu. 7 bước để bắt đầu kinh doanh quầy thuốc hiệu quả - Ảnh 1

                                                    (Logo mình thiết kế nhanh chóng với Canva)

- Các khu vực của quầy thuốc

 Trong khi thiết kế các khu vực của quầy thuốc, nên lưu ý có các khu vực sau:

  • Khu vực trưng bày bảo quản diện tích tối thiểu là 10m2;
  • Khu vực để người mua tiếp xúc và trao đổi thông tin với người bán; Có vòi nước hoặc chậu nước để làm sạch tay cho nhân viên và người mua thuốc;
  • Có khu vực riêng để ra lẻ thuốc hay là khu vực để những thuốc không còn nguyên trong bao bì ban đầu (chấp nhận với trường hợp phòng riêng, tủ riêng hoặc hộp hoặc ngăn riêng để ra lẻ thuốc);
  • Khu vực tư vấn riêng cho khách hàng (nếu có thêm các dịch vụ tư vấn);
  • Khu vực thuốc riêng biệt.
  • Khu vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế để khu vực riêng, không ảnh hưởng đến thuốc. Có biển hiệu khu vực “Sản phẩm này không phải là thuốc”

(Cách phân biệt thuốc và các sản phẩm khác đơn giản nhất là dựa vào số đăng ký. Tìm hiểu thông tin cụ thể số đăng ký thuốc tại đây: Số đăng ký thuốc và các thông tin cần biết)

- Ánh sáng:  Sử dụng hệ thống chiếu sáng phù hợp, ánh sáng vừa phải để người mua cảm thấy dễ chịu, thoải mái và đảm bảo nơi bán thuốc diễn ra thuận lợi, không bị nhầm lẫn. Ngoài ra, ánh sáng mặt trời không được trực tiếp chiếu vào nơi trưng bày, bảo quản thuốc. Đây cũng là một lỗi sai hay gặp và thường bị các thanh tra trừ lỗi ở các nhà thuốc có diện tích nhỏ, không có mái che bên ngoài, kệ tủ thuốc được kê sát cửa ra vào và hay bị ánh sáng mặt trời hắt vào khi mặt trời lên.

- Nhiệt độ quầy thuốc: Nơi bán thuốc được duy trì ở nhiệt độ không quá 30°C, độ ẩm không quá 75%. Ở Việt Nam, nhiệt độ vào mùa hè thường nên rất cao, nên trang bị điều hòa cho nhà thuốc để đảm bảo nhiệt độ bảo quản. Nếu bán các thuốc yêu cầu bảo quản lạnh hoặc bảo quản ở nhiệt độ thấp như từ 2 - 8, hay 8 - 15 độ C, thì cần trang bị thêm tủ lạnh.

 Hiện nay, các quầy thuốc đều đã được yêu cầu trang bị nhiệt kế tự ghi với tần suất là 01 hoặc 02 lần trong một giờ tùy theo mùa. Ví dụ mùa đông, thời tiết lạnh và mát, bạn có thể cài đặt nhiệt kế tự ghi với tần suất là 01 giờ một lần. Vào mùa hè, thời tiết nóng bức nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 30 độ, bạn có thể cài đặt với tần suất là 02 lần trong 01 giờ.

- Tủ thuốc: Tùy vào quy mô nhà thuốc mà bạn sẽ cần số lượng tủ để thuốc khác nhau. Tuy nhiên thông thường sẽ có các tủ thuốc lớn là tủ đựng thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, và tủ đựng sản phẩm không phải là thuốc (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế). Trong mỗi tủ sẽ có cách ngăn để để phân biệt thuốc chứa hoạt chất gây nghiện, hướng thần riêng, và sắp xếp theo tác dụng dược lý riêng.

   Tủ thuốc cũng phải được thiết kế để đảm bảo tính vệ sinh và tính thẩm mỹ. Tủ thuốc nên thiết kế có màu sắc nhận diện nhất quán với màu của logo và thương hiệu. Chất liệu thiết kế của tủ thuốc cũng nên trơn, nhẵn, dễ vệ sinh. Thông thường, các nhà thuốc hay lựa chọn tủ thuốc bằng nhôm kính với giá thành phù hợp.

Quy trình mở quầy thuốc cho người mới bắt đầu. 7 bước để bắt đầu kinh doanh quầy thuốc hiệu quả - Ảnh 2

          (Khu vực quầy Mỹ phẩm theo thiết kế trong tưởng tượng của mình với sự trợ giúp của AI)

- Công nghệ: Theo quy định của bộ y tế, quầy thuốc bắt buộc phải có phần mềm ứng dụng CNTT để kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc. Ngoài ra, nếu có điều kiện bạn không nên chỉ chọn các phần mềm chỉ đáp ứng chuẩn của quy định của bộ y tế, mà nên chọn các phần mềm có những tính năng tổng hợp, phân tích, theo dõi khách hàng và hành vi mua sắm của khách hàng.

- Khác: Laptop hoặc điện thoại (để kết nối phần mềm), áo blouse, bảng tên, bao bì, kéo cắt,...

BƯỚC 3: QUY TRÌNH THỦ TỤC MỞ QUẦY THUỐC ĐẠT CHUẨN GPP

Để xin giấy phép quầy thuốc đạt GPP, ta cần chuẩn bị những phần sau. Lưu ý là các phần này phải chuẩn bị lần lượt theo thứ tự liệt kê: Phần 1, Phần 2, Phần 3.

Phần 1: Xin chứng chỉ hành nghề dược tại Sở Y Tế

Quy trình mở quầy thuốc cho người mới bắt đầu. 7 bước để bắt đầu kinh doanh quầy thuốc hiệu quả - Ảnh 3

Hồ sơ cập nhật theo quy định mới nhất của nghị định 155/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/11/2018 gồm có:

  • Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược.
  • Bản sao bằng đại học ngành dược, cao đẳng ngành dược, trung cấp ngành dược.
  • Giấy xác nhận thời gian thực hành nghề dược do nơi làm việc cung cấp (thời gian thực hành 18 tháng, phạm vi phải phù hợp với yêu cầu người chịu trách nhiệm chuyên môn của quầy thuốc).
  • Bản sao hồ sơ quá trình tham gia bảo hiểm y tế (Nếu giấy xác nhận là làm tại công ty)
  • Bản sao căn cước công dân/ chứng minh thư.
  • 02 ảnh chân dung 4 x 6cm.
  • Lý lịch tư pháp.  
  • Giấy khám sức khỏe (Đã bỏ theo quy định)

Nếu giấy xác nhận thời gian thực hành nghề là bán thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc thì chú ý là ngày bắt đầu tính thời gian thực hành là ngày mà chủ cơ sở bán lẻ gửi hồ sơ nhân viên lên Sở Y Tế nơi cơ sở đó đang kinh doanh.

Một phần lưu ý đó là để xin được chứng chỉ hành nghề dược có điều kiện kinh doanh bán lẻ thuốc (kể cả nhà thuốc lẫn quầy thuốc), trong phần giấy xác nhận hành nghề dược phải có nội dung thực hành chuyên môn sau:

Bán buôn, bán lẻ thuốc; xuất nhập khẩu thuốc; dược lâm sàng, cung ứng thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh; sản xuất thuốc; kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu dược; bảo quản thuốc; phân phối thuốc; quản lý dược tại cơ quan quản lý về dược -  Nghị Định 54/2017/ NĐ_CP, Hướng dẫn luật Dược

Sau khi nộp hồ sơ, Sở Y tế sẽ thẩm định hồ sơ và hẹn trả kết quả trong vòng 20 ngày. Cần chú ý là chứng chỉ hành nghề dược không có thời hạn nhưng để đủ điều kiện kinh doanh, bạn sẽ cần cập nhật kiến thức chuyên môn trong vòng 03 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ.

Xem chi tiết quy trình, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề Dược ở ĐÂY

Phần 2: Xin cấp giấy đăng ký kinh doanh quầy thuốc do Ủy ban nhân dân huyện cấp.


Hồ sơ xin cấp giấy đăng ký kinh doanh hộ gia đình cho quầy thuốc tư nhân (nhà thuốc tây) gồm có:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
  • Chứng chỉ hành nghề dược.Quy trình mở quầy thuốc cho người mới bắt đầu. 7 bước để bắt đầu kinh doanh quầy thuốc hiệu quả - Ảnh 4
  • Bản sao căn cước công dân/ chứng minh thư nhân dân.

Sau khi nộp hồ sơ, ủy ban nhân dân huyện sẽ hẹn trả kết quả trong vòng 5  ngày

Phần 3: Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quầy thuốc do Sở Y tế cấp.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược này đã bao gồm hồ sơ để đánh giá quầy thuốc GPP nên quầy thuốc không cần nộp hồ sơ xin thẩm định.

 Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đăng ký xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược: Ghi rõ đề nghị cấp giấy chứng nhận GPP cùng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược
  • Bản sao công chứng Chứng chỉ hành nghề Dược.
  • Giấy xác nhận đã cập nhật kiến thức chuyên môn (Nếu chứng chỉ hành nghề Dược đã được cấp trên 03 năm).
  • Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhà thuốc.
  • Tài liệu kĩ thuật kèm theo (nhân sự, trang thiết bị, SOP, bản tự kiểm tra Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc)

Sau khi nộp hồ sơ hợp lệ, thông thường trong vòng 15 ngày, Sở Y tế sẽ thành lập Đoàn đánh giá và gửi thông báo cho cơ sở.

BƯỚC 4: THUÊ VÀ ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN BÁN THUỐC

Bạn nên khảo sát giờ mở cửa quầy thuốc tùy theo khu vực mà bạn định mở. Tuy nhiên, nếu bạn có dự định kinh doanh từ 7h sáng - 9 h tối, bạn nên xem xét việc thuê thêm ít nhất một nhân viên để hỗ trợ làm 1 ca giúp bạn. Nếu làm việc liên tục từ 7h sáng - 9h tối, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi và chán nản vì không có thời gian dành cho bản thân và gia đình. Khi có việc bận, nếu chỉ có một mình thì sẽ rất khó để xoay sở. Tất nhiên, quyết định này là do bạn, mình chỉ có một chú ý nho nhỏ là nếu thuê nhân viên, bạn nên tính sẵn chi phí và các phúc lợi cho nhân viên vào trong bảng cân đối tài chính để đánh giá đúng được tình hình kinh doanh của mình.

Thuê và đào tạo nhân viên bán thuốc cũng là một vấn đề quan trọng và khá đau đầu với nhiều chủ quầy thuốc. Bởi thường sau khi đào tạo một thời gian, nhân viên có kinh nghiệm có thể chuyển sang một vị trí mới với mức lương cao hơn hoặc tự mở cửa hiệu kinh doanh cho riêng mình.

Đây không phải là vấn đề hiếm gặp ở các hiệu thuốc, do đó bạn nên có những chế độ, chính sách phù hợp để giữ nhân viên làm việc lâu dài. Đồng thời có những quy trình đào tạo bài bản để nếu phải tuyển thành viên mới thì cũng sẽ dễ dàng đào tạo lại hơn và không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của hiệu thuốc.

BƯỚC 5: MUA THUỐC CHO QUẦY THUỐC

Quy trình mở quầy thuốc cho người mới bắt đầu. 7 bước để bắt đầu kinh doanh quầy thuốc hiệu quả - Ảnh 5

Việc chọn lựa số lượng thuốc, loại thuốc, hay nguồn cung cấp hàng là một vấn đề cực kì quan trọng trong kinh doanh bán lẻ thuốc. Bởi gần như 50% số vốn của cửa hiệu sẽ nằm ở hàng tồn kho này.

Nếu mua quá nhiều, khi thuốc chưa kịp bán hết, bạn sẽ có rất nhiều hàng hết hạn, hàng cận date khiến cho bạn phải thiệt hại lớn về tài chính.

Nếu mua quá ít, khi khách hàng đến hỏi nhiều lần và bạn không có mặt hàng họ cần, rất có thể đó sẽ là lần cuối cùng họ ghé qua hiệu thuốc nhà bạn.

Một điều bạn cũng cần chú ý khi mua thuốc cho quầy thuốc, đó chính quầy thuốc có thể bán tất cả các loại thuốc không kê đơn, nhưng chỉ được bán các loại thuốc kê đơn có trong danh mục thuốc thiết yếu.

BƯỚC 6: MARKETING QUẦY THUỐC

Hiện nay thì các chuỗi nhà thuốc cũng chưa triển khai nhiều ở các xã, thị trấn nên việc kinh doanh quầy thuốc không bị quá ảnh hưởng bởi các chuỗi lớn, tuy nhiên nếu có điều kiện mình nghĩ các bạn vẫn nên đầu tư marketing một cách bài bản cho quầy thuốc của bạn. Một số gợi ý của mình như sau:

  • Xây dựng website chuyên nghiệp cho quầy thuốc
  • Xây dựng các shop online bán hàng qua các kênh thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki
  •  Xây dựng các chương trình khuyến mại trực tiếp đến khách hàng.
  • Cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn: Như ship hàng tận nơi...

Điều chú ý nho nhỏ ở bước này là bạn nên để ý đến các sản phẩm nào được bán online (không kê đơn) và các sản phẩm nào không được phép bán online (thuốc kê đơn).

BƯỚC 7: KHAI TRƯƠNG MỞ QUẦY THUỐC

Khi đã có đủ điều kiện và giấy phép kinh doanh cần thiết, đã đến lúc bạn tổ chức buổi khai trương và chính thức giới thiệu hiệu thuốc của bạn đến với mọi người.

Ngoài việc trang trí hoa, biển hiệu, kết hợp âm thanh ánh sáng ở trước cửa nhà thuốc, bạn nên có kế hoạch truyền thông trước đó về việc khai trương như phát tờ rơi xung quanh, quảng cáo trên website, fanpage của nhà thuốc. Đồng thời bạn cũng nên chuẩn bị những quà tặng nhỏ có ý nghĩa hay những chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho những khách hàng đến mua hàng trong ngày khai trương.

TỔNG KẾT LẠI

Trước sự cạnh tranh và phát triển liên tục của các quầy thuốc, các chuỗi nhà thuốc cùng với sự quản lý ngày càng chặt chẽ từ bộ y tế, việc mở quầy thuốc tư nhân năm 2023 là một công việc khó khăn hơn, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự cống hiến nhiều hơn và phải tuân thủ rất nhiều quy định. Bằng cách tuân thủ đầy đủ các bước đã trình bày trong bài này, mình tin rằng bạn sẽ bước đầu được chuẩn bị đầy đủ để mở và kinh doanh quầy thuốc thành công. Đồng thời, hãy luôn ưu tiên cho việc chăm sóc đặc biệt với bệnh nhân, liên tục đổi mới và thích nghi với quá trình phát triển của xã hội, của ngành. Khi bạn đã xây dựng được mối quan hệ bền vững với khách hàng và với cộng đồng, mình tin rằng thành công sẽ tìm đến bạn. 

Nếu các bạn không có nhiều thời gian tìm hiểu và làm các thủ tục như ở trên, các bạn có thể tìm đến các công ty, dịch vụ tư vấn để được rút ngắn thời gian và tư vấn chi tiết hơn. Trong trường hợp này, mình vẫn khuyên các bạn nên tìm hiểu trước để có cái nhìn tổng quát về những việc mình cần làm và phải làm rồi mới tìm đến dịch vụ thì sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, mình thấy rằng ở một số tỉnh, quầy thuốc có thể sẽ được mở qua công ty dược theo hình thức làm đại lý, tuy nhiên có thể sẽ cần những cam kết và điều khoản nhất định với công ty.  Bạn nên tham khảo kĩ kinh nghiệm của các quầy thuốc gần đó và quy đinh của pháp luật trước khi quyết định. 

Nếu các bạn quan tâm chi tiết hơn về việc mở và kinh doanh nhà thuốc, quầy thuốc hiệu quả, hãy đón xem các bài tiếp theo của mình nhé.

 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!