Quầy thuốc và nhà thuốc khác nhau như thế nào? Điều kiện cần để mở nhà thuốc, quầy thuốc?

Nếu bạn định mở cửa hàng thuốc, bạn cần phải phân biệt rõ quầy thuốc và nhà thuốc là gì, quầy thuốc và nhà thuốc khác nhau như thế nào, cần điều kiện gì để mở được nhà thuốc, quầy thuốc; quầy thuốc, nhà thuốc được phép kinh doanh những sản phẩm nào?

Nếu bạn hỏi bố mẹ hoặc những người thân xung quanh bạn về việc mua thuốc khi bị ốm, họ sẽ nhanh chóng đưa ra câu trả lời như hiệu thuốc, nhà thuốc hay quầy thuốc. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi thêm rằng họ có phân biệt được đâu là quầy thuốc hay nhà thuốc không, đa số mọi người sẽ không biết đâu.

Thực tế, hiệu thuốc là một tên gọi chung của cả nhà thuốc và quầy thuốc. Để phân biệt nhà thuốc và quầy thuốc, cách đơn giản nhất là nhìn vào biển cửa hàng thuốc đó, xem ghi chữ "Quầy thuốc" hay "Nhà thuốc". Tuy nhiên, với hầu hết người dân, sự khác biệt này không quan trọng lắm, khách hàng đơn giản là ốm thì sẽ ra mua thuốc ở hiệu thuốc.

Tuy vậy, thực tế nhà thuốc và quầy thuốc có rất nhiều điểm khác nhau về địa bàn hoạt động, bằng cấp dược sĩ hay cả về danh mục thuốc được phép bán. Nếu bạn đang quan tâm đến việc mở một cửa hàng bán thuốc, việc phân biệt giữa "quầy thuốc" và "nhà thuốc" là rất quan trọng. Nếu bạn là khách hàng, bạn có thể tham khảo để hiểu thêm về hai khái niệm này. 

Bài viết này, mình sẽ giới thiệu những điểm quan trọng để phân biệt nhà thuốc và quầy thuốc, và đưa ra hướng dẫn để giúp bạn có lựa chọn đúng đắn cho mình.

ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG CỦA QUẦY THUỐC, NHÀ THUỐC

Trước khi quyết định mở hiệu thuốc, việc đầu tiên bạn cần xác định mình muốn mở tại khu vực nào, nơi đó được coi là xã, thị trấn hay thuộc đơn vị phường. Đây cũng là một điểm khác nhau quan trọng của nhà thuốc và quầy thuốc, và có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định bạn mở nhà thuốc, hay quầy thuốc như sau:

 

Nhà thuốc

Quầy thuốc

Địa bàn hoạt động

Tất cả mọi nơi

Xã, thị trấn;
Các địa bàn mới được chuyển đổi từ xã, thị trấn thành phường, nếu chưa có đủ một cơ sở bán lẻ thuốc phục vụ 2.000 dân thì được tiếp tục mở mới quầy thuốc và được phép hoạt động không quá 03 năm kể từ ngày địa bàn được chuyển đổi.

Như vậy, nếu bạn quyết định mở hiệu thuốc ở đơn vị hành chính là phường, bạn chỉ có thể mở nhà thuốc, còn nếu bạn mở ở xã, thị trấn thì có thể mở nhà thuốc hay quầy thuốc đều được. Nếu bạn chọn mở quầy thuốc ở các địa điểm như phường mà vừa chuyển đổi lên từ xã, thị trấn, hãy lưu ý rằng sau 03 năm, bạn sẽ phải tìm vị trí mới hoặc nâng cấp thành nhà thuốc nếu không, sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, có một điều mà mình thấy nhiều bạn thường bối rối khi muốn mở hiệu thuốc ở thị xã là không biết nên mở quầy thuốc hay nhà thuốc. Thực tế, thị xã là một đơn vị hành chính cấp huyện ở Việt Nam, bao gồm cả phường và xã. Nếu khu vực bạn muốn mở hiệu thuốc là "phường" trong thị xã, thì bạn chỉ được phép mở nhà thuốc. Trái lại, nếu đó là khu "xã" trong thị xã, thì bạn chỉ có thể mở quầy thuốc.

NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHUYÊN MÔN DƯỢC

Giống nhau giữa nhà thuốc, quầy thuốc

Người chịu trách nhiệm chuyên môn Dược của nhà thuốc và quầy thuốc phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Chứng chỉ chuyên môn và phạm vi thực hành:

Người chịu trách nhiệm chuyên môn Dược (hay cũng chính là người đứng tên để nộp đơn xin giấy phép kinh doanh nhà thuốc, quầy thuốc) phải có chứng chỉ hành nghề Dược phù hợp.

2. Kinh nghiệm thực hành

Để xin được chứng chỉ hành nghề Dược có phạm vi kinh doanh nhà thuốc, quầy thuốc, Dược sĩ phải thực hành trong một trong những phạm vi sau:

  • Bán buôn, bán lẻ thuốc.
  • Xuất nhập khẩu thuốc.
  • Dược lâm sàng, cung ứng thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh.
  • Sản xuất thuốc.
  • Kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
  • Nghiên cứu dược.
  • Bảo quản thuốc.
  • Phân phối thuốc.
  • Quản lý dược tại cơ quan quản lý về dược.

3. Số lượng nhà thuốc, quầy thuốc phụ trách

Mỗi người chỉ được phụ trách chuyên môn tại 1 cơ sở bán lẻ nhà thuốc hoặc quầy thuốc.

4. Thời gian hoạt động

Người chịu trách nhiệm chuyên môn phải có mặt trong toàn bộ thời gian hoạt động của cơ sở. Trong trường hợp vắng mặt, dược sĩ phụ trách chuyên môn phải ủy quyền bằng văn bản cho người có chứng chỉ hành nghề dược phù hợp như sau:

  • Thời gian vắng trên 30 ngày, phải ủy quyền và phải có văn bản báo cáo Sở Y tế tại nơi hiệu thuốc đang mở.
  • Thời gian vắng mặt trên 180 ngày, phải làm thủ tục đề nghị cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho cơ sở bán lẻ thuốc. Và nhà thuốc, quầy thuốc chỉ được phép mở cửa lại khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mới.

Khác nhau giữa nhà thuốc, quầy thuốc

Sự khác nhau giữa nhà thuốc và quầy thuốc còn ở yêu cầu đối với bằng cấp và thời gian thực hành chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn:

 

Nhà thuốc

Quầy thuốc

Bằng tốt nghiệp

Đại học ngành Dược

Đại học ngành Dược

Cao đẳng ngành Dược

Trung cấp ngành Dược

Thời gian thực hành chuyên môn

02 năm (24 tháng)

18 tháng

Vì vậy, để xin chứng chỉ hành nghề Dược có phạm vi kinh doanh nhà thuốc, người chịu trách nhiệm tại nhà thuốc cần có bằng tốt nghiệp Đại học ngành Dược và thực hành chuyên môn trong vòng 24 tháng, trong khi tại quầy thuốc chỉ cần bằng tốt nghiệp trung cấp ngành Dược trở lên và thực hành chuyên môn trong vòng 18 tháng.

ĐỘI NGŨ NHÂN VIÊN

Điểm chung của nhân viên làm việc tại nhà thuốc và quầy thuốc là:

  • Nhân viên ở nhà thuốc và quầy thuốc đều phải được đào tạo ban đầu và được đào tạo liên tục về Thực hành tốt bán lẻ thuốc bởi người phụ trách chuyên môn của cơ sở.

Điểm khác nhau của nhân viên làm việc tại nhà thuốc và quầy thuốc là:

 

Nhà thuốc

Quầy thuốc

Bán thuốc, tư vấn thuốc, giao nhận, bảo quản thuốc, quản lý chất lượng thuốc

Nhân viên nhà thuốc phải có một trong những bằng sau:

- Trung cấp dược

- Cao đẳng dược

- Đại học Dược

Nhân viên quầy thuốc phải có một trong những bằng sau:

- Sơ cấp dược (Nhân viên chỉ có bằng sơ cấp dược không được phép cung cấp thông tin cho người mua thuốc độc, thuốc kê đơn)

- Trung cấp dược

- Cao đẳng dược

- Đại học Dược

Pha chế thuốc, người làm công tác dược lâm sàng

Nhân viên pha chế thuốc, làm công tác dược lâm sàng phải có bằng đại học Dược.

Quầy thuốc không có phạm vi pha chế thuốc và hoạt động dược lâm sàng.

Như vậy, nhân viên tại nhà thuốc yêu cầu bằng Trung cấp Dược trở lên, nhân viên của quầy thuốc yêu cầu bằng Sơ cấp dược trở lên. Tuy nhiên, nhân viên bằng sơ cấp dược bị hạn chế không được tư vấn, trả lời thông tin cho khách hàng về các loại thuốc độc, thuốc kê đơn. 

Hơn thế nữa, bằng sơ cấp cũng không thể trở thành người phụ trách chuyên môn của quầy thuốc được. Do đó, nếu bạn là nhân viên đang có bằng sơ cấp dược và muốn gắn bó với công việc dược sĩ bán thuốc lâu dài, mình nghĩ rằng học liên thông lên bằng trung cấp sẽ là một lựa chọn hợp lý.

PHẠM VI KINH DOANH CỦA QUẦY THUỐC, NHÀ THUỐC

Giống nhau giữa nhà thuốc, quầy thuốc

Phạm vi kinh doanh ở nhà thuốc, quầy thuốc giống nhau là ở chỗ:

  • Mỹ phẩm, thực phẩm bao gói sẵn: Nhà thuốc, quầy thuốc được phép bán mỹ phẩm, thực phẩm bao gói sẵn (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, sữa). Các sản phẩm này không yêu cầu giấy đủ vệ sinh an toàn thực phẩm nên chỉ cần khi hộ kinh doanh đăng kí thêm mục kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm bao gói sẵn là được. Ngoài ra, khi kinh doanh, các sản phẩm này cần phải để ở một khu vực riêng biệt, khác với các loại thuốc khác.
  • Thuốc không kê đơn: Nhà thuốc, quầy thuốc được phép bán các loại thuốc không kê đơn.
  • Thiết bị y tế: Nhà thuốc, quầy thuốc được phép bán các loại thiết bị y tế loại A và các loại thiết bị y tế thuộc danh mục thiết bị y tế được mua bán như hàng hóa thông thường. Các loại thiết bị y tế khác, cần phải đăng kí giấy đủ điều kiện kinh doanh thiết bị y tế
  • Vacxin, sinh phẩm: Nhà thuốc, quầy thuốc không được phép bán vacxin, sinh phẩm.

Tham khảo: Các loại thiết bị y tế được bán ở quầy thuốc và nhà thuốc

Khác nhau giữa nhà thuốc, quầy thuốc

Phạm vi kinh doanh ở nhà thuốc, quầy thuốc khác nhau là ở chỗ:


Nhà thuốc
Quầy thuốc
Thuốc kê đơnNhà thuốc được phép bán tất cả các loại thuốc kê đơn (trừ trường hợp thuốc kiểm soát đặc biệt và thuốc hạn chế bán lẻ thì theo quy định ở dưới)Quầy thuốc chỉ được phép bán các thuốc kê đơn (đã bao gồm thuốc kháng sinh) thuộc Danh mục thuốc thiết yếu.
Thuốc kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻTrường hợp mua, bán thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ, nhà thuốc phải thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật Dược 2010Trường hợp bán thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ và bán thêm thuốc tại quầy theo quy định Thông tư 07/2018/TT-BYT và tùy thuộc từng vùng.

Về cơ bản, nhóm thuốc bán lẻ ở nhà thuốc là phong phú hơn ở quầy thuốc. Tuy nhiên, quầy thuốc cũng đã bao gồm đủ các loại thuốc không kê đơn, thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu (quy định ở thông tư số 19/2018/TT-BYT) trong đó đã bao gồm thuốc kê đơn và thuốc kháng sinh thông dụng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của đa số nhân dân . Trong trường hợp nếu bạn có bệnh nhân thường xuyên cần mua thuốc kê đơn mà quầy thuốc, nhà thuốc không có sẵn, bạn có thể hỗ trợ khách hàng bằng cách đề xuất họ tìm mua ở các nhà thuốc gần đó, hoặc tốt hơn, bạn có thể xin đơn thuốc của họ và đặt mua hàng giúp họ.

Mình tin rằng, việc chăm sóc khách hàng chu đáo sẽ làm bệnh nhân tin tưởng và tăng cơ hội mua nhiều thuốc khác tại quầy thuốc và nhà thuốc của bạn. Sự tận tâm và chuyên nghiệp trong phục vụ sẽ giữ cho khách hàng quay lại mua thuốc tại cơ sở của bạn và tạo dựng uy tín cho quầy thuốc trong cộng đồng.

CÁC QUYỀN KHÁC CỦA NHÀ THUỐC VÀ QUẦY THUỐC LÀ GÌ?

Giống nhau giữa nhà thuốc, quầy thuốc

  • Thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động kinh doanh dược nếu đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với từng loại hình cơ sở kinh doanh theo quy định của Luật Dược.
  • Hưởng chính sách ưu đãi khi thực hiện hoạt động kinh doanh dược theo quy định của pháp luật.
  • Được thông tin, quảng cáo thuốc theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc lưu động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
  • Tham gia cấp phát thuốc của bảo hiểm, chương trình, dự án y tế khi đáp ứng yêu cầu và điều kiện của bảo hiểm, chương trình, dự án đó.
  • Người trực tiếp bán lẻ có bằng dược sỹ đại học được thay thế thuốc đã kê trong đơn thuốc bằng một thuốc khác có cùng hoạt chất, đường dùng, liều lượng khi có sự đồng ý của người mua và phải chịu trách nhiệm về việc thay đổi thuốc.

Khác nhau giữa nhà thuốc, quầy thuốc

 

Nhà thuốc

Quầy thuốc

Pha chế thuốc

Nhà thuốc được phép nguyên liệu làm thuốc để pha chế thuốc theo đơn và bán thuốc này tại cơ sở. Người quản lý chuyên môn về dược của nhà thuốc chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp việc pha chế thuốc tại cơ sở;

Không được phép

TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ THUỐC, QUẦY THUỐC LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Giống nhau giữa nhà thuốc, quầy thuốc

Nhà thuốc và quầy thuốc đều có trách nhiệm sau:

  • Phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được kinh doanh đúng loại hình cơ sở kinh doanh, phạm vi và địa điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược;
  • Bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dược trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật Dược
  • Thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Điều 62 của Luật Dược;
  • Bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do lỗi của cơ sở theo quy định của pháp luật;
  • Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp bảo đảm cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa;
  • Báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về trường hợp tạm dừng hoạt động từ 06 tháng trở lên hoặc chấm dứt hoạt động;
  • Thông báo, cập nhật danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại cơ sở đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
  • Niêm yết công khai Chứng chỉ hành nghề dược và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở kinh doanh;
  • Báo cáo hằng năm và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý về dược có thẩm quyền;
  • Tuân thủ quy định của Bộ Y tế trong việc mua, bán thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ;
  • Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan quản lý có thẩm quyền và tuân thủ các quy định khác về quản lý giá thuốc;
  • Lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến từng lô thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian ít nhất là 01 năm kể từ ngày thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hạn dùng;
  • Bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo đúng điều kiện ghi trên nhãn;
  • Ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, hạn dùng cho người sử dụng trong trường hợp bán lẻ thuốc không đựng trong bao bì ngoài của thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm, phải ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng;
  • Chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ thuốc khi có đơn thuốc.

Khác nhau giữa nhà thuốc, quầy thuốc

 

Nhà thuốc

Quầy thuốc

Hoạt động dược lâm sàng

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của nhà thuốc phải triển khai hoạt động dược lâm sàng theo nội dung quy định tại các khoản 2, 3 và 6 Điều 80 của Luật Dược (Nếu có)

Không có hoạt động dược lâm sàng.

KẾT LUẬN

Tóm lại, quầy thuốc và nhà thuốc đều là cơ sở bán lẻ dược phẩm và đều phải tuân thủ theo Luật Dược 2010 và thông tư 02/2018/tt-byt quy định thực hành bán lẻ thuốc tốt, ban hành ngày 22/01/2018. Sự khác nhau lớn nhất giữa nhà thuốc và quầy thuốc là ở địa bàn hoạt động (quầy thuốc có thể mở ở bất cứ đâu, quầy thuốc thì chỉ được phép mở ở xã, thị trấn), bằng cấp của người phụ trách chuyên môn (nhà thuốc yêu cầu dược sĩ đại học trở lên, quầy thuốc yêu cầu từ dược sĩ trung học) và  phạm vi kinh doanh (quầy thuốc chủ yếu được phép bán các thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu và thuốc không kê đơn; nhà thuốc có thể bán các loại thuốc thành phẩm theo quy định trừ vacxin).

Cuối cùng, trước khi quyết định mở một quầy thuốc hoặc mở một nhà thuốc, hãy thực hiện khảo sát kỹ lưỡng về các hiệu thuốc có sẵn trong khu vực đó. Nếu đó là một xã, thị trấn nơi đã có nhiều nhà thuốc hoạt động, thì hãy xem xét khả năng mở nhà thuốc để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và phù hợp hơn. Ngược lại, nếu đã có quá nhiều quầy thuốc hoạt động, bạn cần đánh giá kỹ chi phí trước khi quyết định mở thêm một nhà thuốc hoặc quầy thuốc, để đảm bảo rằng cửa hàng của bạn có được lợi thế cạnh tranh trong thị trường.

Hi vọng qua bài viết này, bạn có thể hiểu rõ được sự giống và khác nhau giữa quầy thuốc và nhà thuốc và có thể sẽ có quyết định cho chinh mình rằng mình sẽ kinh doanh loại hình nào.

Chúc các bạn thành công trong tương lai!.

 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!