Chứng chỉ hành nghề dược: Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược và những thông tin cần biết

Giới thiệu chi tiết về chứng chỉ hành nghề Dược: Chứng chỉ hành nghề Dược là gì, làm chứng chỉ hành nghề dược như thế nào, cách chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ ở đâu, hết bao nhiêu thời gian, lệ phí như nào, tra cứu chứng chỉ hành nghề dược ở đâu.

Trong lĩnh vực y tế, ngành dược học là một trong những lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm nhất, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho cộng đồng. Để đảm bảo chất lượng và uy tín của người hành nghề trong ngành dược, quy trình thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược là điều cần thiết và quan trọng không thể bỏ qua.

Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn các thủ tục cần thiết để đạt được chứng chỉ hành nghề dược, cách thức duy trì chứng chỉ sau khi đã đạt được, và cách tra cứu để biết được chứng chỉ hành nghề dược có hợp pháp hay không.

Cơ sở pháp luật cấp giấy chứng nhận hành nghề dược

- Luật Dược 2016.

- Văn bản hợp nhất nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 05 năm 2017, nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018, nghị định số 88/2023/NĐ-CP ngày 11/12/2023.

- Thông tư số 277/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm.

Chứng chỉ hành nghề Dược là gì

Theo định nghĩa của luật số: 15/2012/QH13, Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20/06/2012, chứng chỉ hành nghề là giấy phép, chứng chỉ hành nghề là giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật để cá nhân, tổ chức đó kinh doanh, hoạt động, hành nghề hoặc sử dụng công cụ, phương tiện

Theo đó, chứng chỉ hành nghề Dược là giấy tờ do cơ quan quản lý Dược có thẩm quyền cấp cho cá nhân mà đủ các điều kiện hành nghề theo Luật Dược 2016 để cá nhân có thể kinh doanh, hoạt động hành nghề đối với các lĩnh vực kinh doanh yêu cầu chứng chỉ hành nghề Dược.

Tùy theo tính chất kinh doanh của mỗi loại mà điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề Dược và phạm vi hành nghề là khác nhau, thông thường người có chứng chỉ hành nghề Dược sẽ chỉ được đăng kí và cho một cơ sở kinh doanh, đồng thời phải chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở theo phạm vị đăng kí.

Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dược

Theo quy định của Luật Dược 2016, các vị trí yêu cầu chứng chỉ hành nghề Dược là:

- Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh Dược 

- Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc

- Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh chữa bệnh

Theo dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Dược, sắp tới có thể sẽ có quy định cụ thể về hình thức kinh doanh và người phụ trách chuyên môn của: chuỗi nhà thuốc, cơ sở vận chuyển thuốc và tủ thuốc tự động.

Tức là, để mở được các cơ sở kinh doanh thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế, trung tâm kiểm nghiệm, công ty xuất nhập khẩu thuốc, công ty phân phối thuốc), sản xuất dược phẩm (nhà máy sản xuất hay dịch vụ tư vấn lâm sàng ở cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc) thì bắt buộc sẽ phải có người phụ trách chuyên môn có chứng chỉ hành nghề dược có phạm vi hành nghề theo đúng phạm vi kinh doanh đã đăng kí. Mỗi vị trí chuyên môn sẽ yêu cầu điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dược (bằng tốt nghiệp và kinh nghiệm thực hành ở cơ sở dược hợp pháp) khác nhau. 

Xem chi tiết điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề Dược cho từng phạm vi chuyên môn hành nghề ở đây: Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề Dược

Nếu bạn quan tâm đến mở quầy thuốc, có thể xem chi tiết hướng dẫn mở quầy thuốc cho người mới bắt đầu ở đây : 7 bước để mở quầy thuốc cho người mới bắt đầu 

Nếu bạn quan tâm đến mở nhà thuốc, có thể xem chi tiết hướng dẫn mở nhà thuốc cho người mới bắt đầu ở đây: 7 bước để mờ nhà thuốc cho người mới bắt đầu

Cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề Dược

1. Sở y tế tỉnh, thành phố

Người xin cấp chứng chỉ hành nghề dược theo hình thức xét duyệt hồ sơ có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện lên Sở Y Tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.

Kinh nghiệm:

  • Nên đến nộp trực tiếp tại Sở Y tế để nếu có thiếu loại giấy tờ nào thì bạn sẽ được cán bộ kiểm tra và báo ngay.
  • Chỉ nộp lên Sở Y tế mà cơ sở xác nhận hành nghề cho bạn đặt địa điểm kinh doanh hoặc nơi thường trú của bạn.

Trước đây mình chưa biết nên khi làm chứng chỉ hành nghề thì mình đang làm ở trên Hà Nội đã nộp lên luôn SYT của thành phố Hà Nội, tuy nhiên giấy xác nhận thực hành là do công ty ở tỉnh khác xác nhận và nơi thường trú cũng là ở nơi khác. Mình vẫn được nhận hồ sơ và đóng lệ phí thẩm định như bình thường. Tuy nhiên sau khoảng 03 tuần, mình đã nhận được công văn trả lời kết quả thẩm định là hồ sơ không hợp lệ do không làm việc ở Hà Nội và cũng không có thường trú tại đây.

Do đó, nếu như hiện nay bạn đăng kí thường trú tại thành phố Hải Phòng và bạn có giấy xác nhận thực hành chuyên môn tại công ty A, có địa điểm kinh doanh thuộc tỉnh Nam Định thì có thể nộp tại Sở Y Tế Nam Định hoặc Sở Y tế Hải Phòng. Thông thường mình thấy nếu nộp tại Nam Định (nơi cơ sở đặt địa điểm kinh doanh) thì thời gian xét duyệt hồ sơ sẽ nhanh hơn. 

Tuy theo đúng quy định, chứng chỉ hành nghề Dược dù cấp ở đâu cũng sẽ có phạm vi sử dụng trên cả nước tuy nhiên theo kinh nghiệm để thuận lợi hơn khi cấp giấy đăng kí đủ điều kiện kinh doanh dược sau này, là nếu bạn đã có ý định kinh doanh tại Nam Định thì nên xin chứng chỉ hành nghề tại Nam Định luôn; còn nếu bạn dự định kinh doanh tại Hải Phòng thì nên xin chứng chỉ hành nghề tại Hải Phòng luôn. Nếu sau này bạn định kinh doanh ở một nơi mà khác hai nơi trên thì vẫn có thể được, nhưng hồ sơ đăng kí đủ điều kiện kinh doanh sẽ phải nộp thêm một số loại giấy tờ để chứng minh bạn đã và đang công tác tại nơi đó.

2. Bộ y tế

Theo quy định trong luật Dược thì những người đăng kí thi cấp chứng chỉ hành nghề Dược vẫn yêu cầu đầy đủ điều kiện hành nghề Dược như những người đăng kí theo hình thức xét duyệt hồ sơ và sẽ đăng kí tại Bộ Y tế.

Kinh nghiệm của mình là mình thấy rất ít bạn (thực tế là mình chưa gặp bạn nào) đăng kí theo hình thức thi tại Bộ Y tế mà chủ yếu đều theo hình thức xét duyệt hồ sơ.

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược

Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề Dược (cấp mới) theo hình thức xét duyệt hồ sơ sẽ được nộp lên Sở Y Tế, bao gồm những giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược

- Bản sao các văn bằng chuyên môn có công chứng

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận thời gian thực hành

- Lí lịch tư pháp

- Căn cước công dân.

- 02 Ảnh 4 x 6 trên nền trắng 

- Giấy khám sức khỏe

- Bản sao quá trình đóng bảo hiểm xã hội.

Chi tiết cụ thể yêu cầu các loại giấy tờ như sau:

1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Dược

Mẫu đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Dược mới nhất:

Tải mẫu đơn Đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Dược tại Đây

Cách điền thông tin trong đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Dược:

- Các thông tin cá nhân: Ghi đúng theo căn cước công dân và văn bằng chuyên môn.

- Đã có thời gian thực hành tại cơ sở: Ghi ngày tháng năm, nội dung thực hành theo đúng giấy xác nhận thực hành chuyên môn.

- Phạm vi thực hành chuyên môn: Ghi những phạm vi chuyên môn theo đúng quy định từ điều 15 đến điều 22 của Luật Dược:

" 1. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở sản xuất thuốc trừ trường hợp 2, 3 dưới đây.

2. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở sản xuất nguyên liệu làm thuốc là dược chất, tá dược, vỏ nang.

3. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở sản xuất vắc xin, sinh phẩm và nguyên liệu sản xuất vắc xin, sinh phẩm.

4. Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc trừ trường hợp 5, 6 dưới đây.

5. Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất vắc xin, sinh phẩm.

6. Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất nguyên liệu làm thuốc là dược chất, tá dược, vỏ nang.

7. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược, người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất dược liệu;

8. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược, người phụ trách về bảo đảm chất lượng của hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất dược liệu.

9. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trừ trường hợp 10, 11 dưới đây.

10. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán buôn vắc xin, sinh phẩm.

11. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán buôn dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

12. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trừ trường hợp 13, 14 sau đây.

13. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu vắc xin, sinh phẩm..

14. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

15. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc.

16. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc.

17. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của tủ thuốc trạm y tế xã

18. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

19. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trừ trường hợp 20 dưới đây.

20. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm vắc xin, sinh phẩm.

21. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng, thử tương đương sinh học của thuốc, trừ trường hợp 22 dưới đây.

22. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng, thử tương đương sinh học của thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

23. Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp 24 dưới đây.

24. Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

25. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trừ trường hợp 26 dưới đây.

26. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin, sinh phẩm"

Ví dụ, bạn muốn làm chứng chỉ hành nghề để kinh doanh nhà thuốc thì ghi "Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc". Nếu người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Dược đáp ứng đủ các điều kiện quy định thì trên Chứng chỉ hành nghề Dược sẽ ghi tất cả các vị trí được phép hành nghề. Tuy nhiên, khi hành nghề thì chỉ được phép là người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của 01 cơ sở kinh doanh dược.

Để xem cách ghi Phạm vi hành nghề và bạn có đáp ứng đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề với từng phạm vi thực hành chuyên môn đăng kí, xem chi tiết ở: Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề Dược.

2. Bản sao các văn bằng chuyên môn có công chứng

Bằng cấp chuyên môn phù hợp với phạm vi hành nghề.

3. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận thời gian thực hành

Mẫu giấy xác nhận thời gian thực hành mới nhất:

Tải mẫu giấy xác nhận thời gian thực hành tại Đây

Lưu ý:

- Nếu xác nhận là nhân viên bán thuốc ở cơ sở bán lẻ: Nghị định 155/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ khoản 4 điều 19 của nghị định 54/2017/NĐ-CP, yêu cầu chủ cơ sở bán lẻ phải đăng kí danh sách nhân viên lên Sở Y tế tuy nhiên kinh nghiệm của mình là đối với các bạn thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc) vẫn nên yêu cầu chủ cơ sở đăng kí tên cho mình với Sở Y tế. Có một trong hai cách như sau:

  • Khi nhà thuốc, quầy thuốc bắt đầu thẩm định: Đề nghị chủ cơ sở gửi danh sách nhân viên có tên của mình lên đó. Đồng thời chuẩn bị một bộ hồ sơ nhân viên để sẵn ở nhà thuốc bao gồm: sơ yếu lí lịch, bằng cấp photo công chứng, hợp đồng lao động, giấy khám sức khỏe.
  • Khi nhà thuốc, quầy thuốc đã thẩm định xong: Nên chuẩn bị 02 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm các giấy tờ như sơ yếu lí lịch, bằng cấp photo công chứng, hợp đồng lao động, giấy khám sức khỏe. Đề nghị chủ cơ sở lên Sở Y tế nộp 01 bộ hồ nhân viên lên Sở Y tế trong đó có đơn theo mẫu số 14, nghị định 54/2017/NĐ-CP. Một bộ lưu giữ ở cơ sở.

   Thời gian thực hành tại nhà thuốc/quầy thuốc sẽ tính từ thời gian chủ (người chịu trách nhiệm chuyên môn) nhà thuốc, quầy thuốc gửi hồ sơ của bạn lên Sở Y tế

- Nếu thực hành tại các công ty dược: Nội dung thực hành phải phù hợp với phạm vi kinh doanh trên giấy đủ điều kiện kinh doanh dược của công ty. Ví dụ như bạn làm việc và kí hợp đồng với công ty chỉ có phạm vi kinh doanh thuốc hóa dược thì giấy xác nhận nội dung thực hành của bạn không thể ghi là "bán buôn, bán lẻ thuốc cổ truyền" được.

 Thời gian thực hành ở công ty dược sẽ tính từ ngày kí hợp đồng lao động (có thể yêu cầu từ ngày đóng bảo hiểm xã hội để chứng minh bạn thực sự làm ở đó).

Xem cụ thể cách ghi nội dung thực hành phù hợp với từng phạm vi thực hành chuyên môn ở đây: Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề Dược.

4. Lý lịch tư pháp:

Vì chứng chỉ hành nghề không được cấp cho những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án,..nên bạn cần xin lí lịch tư pháp để được xác nhận “Không có án tích trong thời gian cư trú ở Việt Nam”

Bạn có thể nộp hồ sơ xin cấp phiếu lí lịch tư pháp tại Sở Tư Pháp tỉnh, thành phố nơi bạn thường trú, tạm trú hoặc nộp hồ sơ online qua tài khoản dịch vụ công quốc gia. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

  • Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu quy định (Tích vào mục yêu cầu Phiếu lí lịch tư pháp số 1)
  • Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp (Trường hợp nộp bản chụp thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật).
  • Sổ hộ khẩu (Từ ngày 01/07/2021, không yêu cầu sổ hộ khẩu với những người đã có căn cước công dân).

Phí làm phiếu lí lịch tư pháp số 01 thông thường là 200.000 đồng/ người/ một lần  (100.000 đồng đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ).

Kinh nghiệm: 

  • Thời gian cấp phiếu lí lịch tư pháp thông thường là 15 ngày.
  • Nên đăng kí cấp online và nhận theo hình thức chuyển phát nhanh tại nhà để không mất nhiều thời gian đi lại.

5. Căn cước công dân

Nên có căn cước công dân bản photo công chứng hoặc căn cước photo và có bản chính đối chiếu.

6. 02 ảnh 4 x 6 trên nền trắng

Hiện nay theo nghị định 155/2018/NĐ-CP đã xóa bỏ yêu cầu cần 02 ảnh 4 x 6 trên nền trắng nhưng theo kinh nghiệm, bạn nên chụp và lấy khoảng 8 ảnh 4 x 6 để có thể phải nộp trong hồ sơ làm chứng chỉ hành nghề Dược, sử dụng trong giấy khám sức khỏe hoặc là hồ sơ xin cấp giấy chứng chỉ kinh doanh dược mở nhà thuốc, công ty (nếu định mở trong vòng 6 tháng kể tử lúc chụp ảnh).

7. Giấy khám sức khỏe

Hiện nay theo nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định yêu cầu nộp giấy khám sức khỏe đã được bãi bở, hiện cũng đã có một số Sở Y tế bỏ quy định này. Để chắc chắc bạn có thể đến Sở Y tế nơi dự định làm để hỏi thêm.

Còn nếu bạn dự định làm giấy khám sức khỏe thì nên đến các bệnh viện, phòng khám yêu cầu rõ là làm giấy khám sức khỏe để xin chứng chỉ hành nghề: Giấy khám sức khỏe sẽ do các bác sĩ kí xác nhận và nhớ là phải khám tất cả các hạng mục trong đó có cả xét nghiệm công thức máu.

8. Bản sao quá trình đóng bảo hiểm xã hội.

Nếu các bạn thực hành ở các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc) có thể sẽ không cần nộp bản sao quá trình đóng bảo hiểm xã hội. 

Còn nếu bạn có xác nhận làm việc tại trong các công ty, cơ quan dược, một số tỉnh sẽ yêu cầu bản sao quá trình đóng bảo hiểm xã hội để chứng minh rằng bạn đã thực sự làm việc tại các vị trí này. 

Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề Dược

Phí thẩm định hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề Dược là 500.000 đồng.

Nếu các bạn làm qua công ty dịch vụ hoặc công ty luật để làm chứng chỉ hành nghề thì chi phí có thể tầm 1 - 3 triệu đồng, khi đã có đủ giấy tờ. Theo kinh nghiệm của mình, nếu bạn đã có đủ giấy tờ cần thiết, bạn hoàn toàn có thể tự làm mà không cần qua dịch vụ.

Thời gian cấp chứng chỉ hành nghề Dược

Theo quy định sau khoảng 20 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề Dược, bạn sẽ nhận được chứng chỉ hoặc nhận được công văn nêu rõ lí do từ chối hoặc yêu cầu bổ sung.

Theo kinh nghiệm của mình, thời gian cấp chứng chỉ hành nghề thực tế có thể lâu hơn (từ 1 - 3 tháng) đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, 

Chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn bao lâu

Chứng chỉ hành nghề Dược không quy định thời hạn hết hạn (trừ trường hợp người hành nghề chết hoặc mất tích theo quyết định, thu hồi chứng chỉ) và có tác dụng trên toàn quốc nhưng bạn sẽ phải đi học cập nhật kiến thức chuyên môn trong vòng 03 năm kể từ thời điểm được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc thời điểm ghi trên giấy xác nhận cập nhật kiến thức chuyên môn dược gần nhất.

Cập nhật kiến thức chuyên môn dượcChứng chỉ hành nghề dược: Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề dược và những thông tin cần biết - Ảnh 1

Cơ sở đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn dược

Các bạn có thể cập nhật kiến thức chuyên môn dược tại các cơ sở được cấp phép đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn về Dược như trường Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Dược thành phố HCM,…

Các trường này cũng tổ chức các khóa đào tạo online để thuận tiện cho các học viên có thể đăng kí học.

Thời gian đào tạo

Trước đây nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định rõ thời gian học với khóa học cập nhật kiến thức chuyên môn về Dược với hệ đại học và các hệ cao đẳng, trung cấp là khác nhau, nhưng nghị định 155/2018/NĐ-CP chỉ quy định chung thời gian đào tạo cho tất cả các hệ là tối thiểu 08 giờ.

Chi phí đào tạo

Chi phí đào tạo thông thường từ 500.000 – 1.000.000 đồng/ 1 học viên, tùy từng cơ sở.

Thu hồi chứng chỉ hành nghề Dược

Các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Dược:

- Chứng chỉ hành nghề dược được cấp không đúng thẩm quyền.

- Người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược của mình.

- Chứng chỉ hành nghề dược bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp Chứng chỉ hành nghề dược.

- Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược.

- Cá nhân có từ 02 Chứng chỉ hành nghề dược trở lên.

- Người có chứng chỉ hành nghề cho thuê, cho mượn, thuê, mượn hoặc cho người khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược.

- Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề dược không đáp ứng một trong các Điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề dược quy định tại Điều 13 hoặc Khoản 2 Điều 14 của Luật Dược 2016

- Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề dược mà không hành nghề trong thời gian 12 tháng liên tục.

- Người hành nghề dược không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.

- Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược gây hậu quả đến tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước Chứng chỉ hành nghề dược từ 02 lần trở lên đối với một hành vi vi phạm.

Mình thấy rằng trong phần quy định về việc "người đã được cấp chứng chỉ hành nghề dược mà không hành nghề trong thời gian 12 tháng liên tục" hiện nay đang được hiểu và áp dụng theo 02 cách khác nhau, tùy theo tỉnh thành:

  • Có nơi sẽ được hiểu là nếu được cấp chứng chỉ và không đăng kí hành nghề (đăng kí kinh doanh) thì sau 12 tháng sẽ được coi là chứng chỉ hết hiệu lực và phải xin cấp mới.
  • Có nơi sẽ được hiểu là nếu được cấp chứng chỉ và vẫn đang làm việc trong lĩnh vực chuyên môn dược như phạm vi hành nghề thì chỉ cần cập nhật kiến thức chuyên môn trong vòng 03 năm kể từ khi cấp hoặc 03 năm so với giấy xác nhận cập nhật kiến thức chuyên môn gần nhất là được.

Theo kinh nghiệm của mình, cách hiểu thứ hai là đúng hơn và được áp dụng nhiều hơn, tuy nhiên điều quan trọng nhất là bạn phải có đủ hồ sơ (quá trình đóng bảo hiểm xã hội, hồ sơ nhân sự của cơ sở gửi lên Sở Y tế) để chứng minh rằng bạn vẫn đang làm việc trong lĩnh vực chuyên môn như chứng chỉ đã cấp.

Tra cứu chứng chỉ hành nghề dược

Để kiểm tra chứng chỉ hành nghề Dược của người hợp tác với bạn có phải là chứng chỉ hợp pháp không hoặc bạn nhờ bên dịch vụ làm và bạn muốn tra cứu tính pháp lý của chứng chỉ hành nghề Dược của mình,  các bạn có thể tra cứu trên website của sở y tế các tỉnh, thành phố nơi cấp chứng chỉ. Lưu ý là, bạn chỉ có thể tra cứu dữ liệu của chứng chỉ hành nghề dược được cấp ở những năm gần đây và từ thời gian nào thì sẽ tùy theo dữ liệu của mỗi sở y tế đã tải lên website.

Tra cứu chứng chỉ hành nghề của Hà Nội:

Bước 1: Truy cập website của Sở y tế Hà Nội 

Bước 2: Truy cập mục “Quản lý hành nghề”

Ở đây sẽ có dữ liệu chứng chỉ hành nghề dược từ năm 2021, bạn cần tra cứu thông tin năm nào thì ấn vào năm đó. 

Tra cứu chứng chỉ hành nghề của Thành phố Hồ Chí Minh

Link truy cập: Website sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh

Kéo xuống bên dưới, và tìm kiếm file “Danh sách Chứng chỉ hành nghề Dược cấp từ tháng 7/2017”, ngày cập nhật mới nhất. Sau đó ấn vào và tra cứu thông tin chứng chỉ của bạn. 

Kết luận

Quy trình thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề dược là một quá trình quan trọng và không thể thiếu để đảm bảo sự an toàn và chất lượng trong ngành y tế. Những điều cần biết về quy trình này giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về việc về cấp phép và duy trì chứng chỉ hành nghề dược.

Việc nắm vững các quy định và luật lệ liên quan đến ngành dược học không chỉ là trách nhiệm của người chịu trách nhiệm chuyên môn mà còn là nhiệm vụ của mỗi cá nhân kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm.

Để có thể hiểu cụ thể hơn vè được điều kiện cần để được cấp chứng chỉ hành nghề Dược và giấy phép đủ điều kiện kinh doanh với các loại hình kinh doanh dược, hãy đón đọc các bài viết khác của mình nhé.

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!