Hướng dẫn nộp tài liệu bảo mật trong hồ sơ đăng ký thuốc
Hướng dẫn nộp tài liệu bảo mật đến Cục Quản lý Dược khi nhà sản xuất không muốn cung cấp nội dung tài liệu cho cơ sở đăng ký
Trong thời đại hiện nay, mình tin chắc rằng hầu như ai cũng đã từng sử dụng ít nhất một lần sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, việc phân biệt giữa thuốc và thực phẩm chức năng có thể gây khó khăn cho nhiều người. Một số có thể cho rằng thuốc dùng để điều trị bệnh tật, trong khi thực phẩm chức năng chỉ để bổ sung dinh dưỡng; hoặc một số lại cho rằng thực phẩm chức năng là các hoạt chất chiết xuất từ thiên nhiên còn thuốc thì là các thành phần hóa dược tổng hợp.
Tuy vậy, đối với mình, điểm quan trọng nhất không nằm ở thành phần hay công dụng mà nằm ở cách mà chúng được quản lý bởi nhà nước và bộ y tế. Bởi cùng là viên sủi có thành phần là vitamin C 1000mg, viên sủi Kudos vitamin C 1000mg là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, còn Ossizan C 1000mg lại là thuốc. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn tại sao việc phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng là cần thiết và cách để nhận biết sự khác biệt giữa chúng ở Việt Nam.
Nếu bạn là một dược sĩ làm việc tại các nhà thuốc hoặc khoa dược bệnh viện, có một số quy định quan trọng mà bạn cần tuân thủ:
- Sắp xếp sản phẩm: Thông tư số 02/2018/TT-BYT về thực hành tốt bán lẻ thuốc yêu cầu bạn phải sắp xếp thuốc riêng biệt so với các sản phẩm khác trong nhà thuốc hoặc quầy thuốc. Điều này đòi hỏi bạn phải có sự chú ý đặc biệt khi sắp xếp sản phẩm. Có nhiều trường hợp dược sĩ chỉ dựa vào công dụng của sản phẩm để sắp xếp chúng cùng nhau, và điều này có thể dẫn đến việc sắp xếp sai, gây ra vi phạm các quy định và có thể bị phạt khi gặp thanh tra.
Ví dụ: Sắp xếp Enterogermina và Entero Lactyl cùng một chỗ là một ví dụ về việc sắp xếp sai, vì cùng là men vi sinh nhưng Enterogermina là một loại thuốc trong khi Entero Lactyl là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (hay thực phẩm chức năng)
- Bán thuốc kê đơn: Cũng theo quy định của thông tư số 02/2018/TT-BYT, dược sĩ chỉ bán thuốc kê đơn khi có đơn thuốc. Tức là dược sĩ có thể bán tất cả các loại thực phẩm chức năng mà không cần đơn thuốc. Tuy nhiên, đối với thuốc, chúng được chia thành hai loại: thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Và dược sĩ không được phép bán các loại thuốc kê đơn (có kí hiệu Rx thuốc kê đơn trên nhãn hộp) khi người bệnh không xuất trình được đơn thuốc kèm theo.
Ví dụ: Nếu bệnh nhân yêu cầu mua Augmentin (là thuốc kê đơn) mà không có đơn thuốc, theo quy định, bạn sẽ không được phép bán cho bệnh nhân này.
Nếu bạn là một dược sĩ làm việc trong các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thuốc, bạn sẽ phải tuân thủ các quy định và quản lý từ Cục Quản lý Dược. Ngược lại, nếu bạn tham gia vào việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng, thì sẽ cần tuân thủ các hướng dẫn và kiểm soát của Cục An toàn Thực phẩm.
Cả thuốc và thực phẩm chức năng đều phải trải qua quy trình đăng ký, sản xuất và quảng cáo được kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thuốc được kiểm soát giá bán cho tất cả các loại còn trong khi đó, chỉ một số sản phẩm thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mới yêu cầu kiểm soát về giá.
Hơn nữa, thuốc chịu sự kiểm soát và quy định nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả trong khâu phân phối và bán lẻ. Do đó, các dược sĩ cần phải nhận biết và tuân thủ các quy trình và biện pháp quản lý phù hợp với sản phẩm mà họ đang tham gia sản xuất hoặc kinh doanh.
Các bác sĩ cần phải tuân thủ thông tư 52/2017/TT-BYT thông tư quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Theo quy định này, bác sĩ không được phép kê sản phẩm là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.
Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng có những tình huống bệnh lý mà thực phẩm chức năng thực sự có thể hỗ trợ người bệnh cải thiện triệu chứng hơn so với việc không sử dụng chúng. Ví dụ, men vi sinh có thể được sử dụng trong trường hợp rối loạn đường ruột, hoặc mỹ phẩm dưỡng ẩm nên được sử dụng trong trường hợp viêm da cơ địa.
Trong các tình huống như vậy, bác sĩ thường sẽ cần phải phân biệt rõ và tách riêng các sản phẩm thuốc trong "Đơn thuốc" và các sản phẩm khác trong "Đơn tư vấn." Điều này giúp người bệnh hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa các loại sản phẩm và có quyết định điều trị phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của họ
Nếu bạn là người tiêu dùng, cần hiểu rõ rằng quản lý của nhà nước đối với thuốc và thực phẩm chức năng có những khác biệt quan trọng.
- Thuốc:
- Thực phẩm chức năng (bao gồm cả thực phẩm bảo vệ sức khỏe):
Mình nói như vậy không có nghĩa là thuốc là tốt hơn thực phẩm chức năng. Việc lựa chọn giữa thuốc và thực phẩm chức năng phụ thuộc vào loại bệnh, triệu chứng bệnh và kinh tế của bạn. Có những trường hợp, sử dụng thuốc có thể hiệu quả hơn, trong khi có những tình huống, thực phẩm chức năng có thể cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn. Đôi khi, việc kết hợp cả hai cũng là lựa chọn tốt nhất. Ví dụ, trong trường hợp bệnh nhẹ, cung cấp cơ thể đủ dưỡng chất thông qua chế độ ăn uống là có thể giúp phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, đối với bệnh nặng, bạn cần sử dụng thuốc kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp để nhanh chóng hồi phục.
Do đó, theo ý kiến cá nhân mình, khi bạn mua thực phẩm chức năng dưới sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ, nếu có điều kiện kinh tế, bạn có thể mua thoải mái. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn, hãy trao đổi với dược sĩ và bác sĩ, và có thể hỏi thêm liệu có cần thiết phải mua sản phẩm đó không. Cuối cùng, bạn là người có trách nhiệm lớn nhất đối với sức khỏe và tài chính của mình.
- Thuốc: Theo định nghĩa của Luật Dược 2016, thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.
- Thực phẩm chức năng: Theo định nghĩa của Luật An toàn thực phẩm 2010, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.
- Dấu hiệu chính xác nhất để nhận biết sản phẩm là thuốc là dựa vào số đăng ký thuốc. Số đăng ký thuốc thường được tìm thấy trên bao bì ngoài (nhãn hộp hoặc nhãn lọ) của thuốc sau kí hiệu “SĐK” hoặc “Số đăng ký”, “Số ĐK”. Số đăng ký thuốc thường có kí hiệu là: VN-; VD-; VS-; TCT-; VNCT-; SP-; QLSP-; VX-; QLVX-; QLĐB-; GC-; DG-; hoặc 1 dãy chứ số gồm 13 số ví dụ như 930100009523.
Bạn có thể xem chi tiết về ý nghĩa, kí hiệu số đăng kí thuốc ở- Một số dấu hiệu khác để nhận biết như: Nếu trên bao bì có những cụm từ sau, chắc chắn đó cũng là thuốc “Rx thuốc kê đơn”; “thuốc tiêm”, “thuốc nhỏ tai”, “thuốc nhỏ mắt”, “thuốc nhỏ mũi”, “thuốc dùng ngoài”,.. Ngoài ra trên vỏ hộp thuốc còn hay có các thông tin như “Chỉ định, cách dùng, chống chỉ định, cách dùng và các thông tin khác”; “Để xa tầm tay trẻ em. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Dấu hiệu chính xác nhất để nhận biết thực phẩm chức năng là dựa vào số đăng ký của thực phẩm chức năng và các dòng chữ khuyến cáo đi kèm:
- Số đăng ký thực phẩm chức năng thường được tìm thấy trên bao bì ngoài (nhãn hộp hoặc nhãn lọ) sau khí hiệu “SĐK” , “Số đăng ký”, “Số ĐK” hoặc “Số tiếp nhận”, "Số" “Số công bố”. Và có kí hiệu như: .…/ĐKSP; …./TNCB; …./YT…-TNCB.
- Trên bao bì thực phẩm chức năng bắt buộc phải có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh”. Tùy từng loại thực phẩm sẽ có thêm dòng chữ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe"; hoặc "Thực phẩm dinh dưỡng y học"; "Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt"; "Thực phẩm bổ sung".
Trên đây là quan điểm của mình về tại sao cần phải phân biệt giữa thuốc và thực phẩm chức năng, cũng như cách phân biệt hai loại sản phẩm này tại Việt Nam. Mình muốn nhấn mạnh rằng là ở Việt Nam, vì mỗi quốc gia có cách kiểm soát và quản lý sản phẩm riêng biệt. Một sản phẩm có thể được xem là thuốc tại Úc, nhưng ở Việt Nam, nó có thể được xem là thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tương tự, một sản phẩm có thể được xem là thực phẩm thông thường ở Nhật, nhưng ở Việt Nam, nó có thể phải được đăng ký là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ranh giới giữa một số loại thuốc và thực phẩm chức năng có thể không rõ ràng, và sự khác biệt lớn nhất thường nằm ở cách mà từng quốc gia quản lý chúng.
Tổng quan, tại Việt Nam, thuốc thường được nhà nước kiểm soát mạnh mẽ về tính an toàn, hiệu quả và tính kinh tế, trong khi thực phẩm chức năng chủ yếu được kiểm soát về tính an toàn hơn là tính hiệu quả và tính kinh tế. Điều này thể hiện sự quan tâm đối với sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ tính hợp pháp cho các sản phẩm y tế và dinh dưỡng.
Đăng nhập để có thể bình luận