Nuôi dưỡng sự hứng thú đọc sách của trẻ mầm non

Khám phá cách nuôi dưỡng hứng thú đọc sách ở trẻ mầm non với những phương pháp hiệu quả giúp trẻ tập trung, yêu thích sách và phát triển toàn diện.

Vì sao cần nuôi dưỡng sự hứng thú đọc sách ở trẻ mầm non?

Sách luôn được ví như kho tàng tri thức quý giá, đem lại vô số lợi ích cho con người. Đối với trẻ mầm non, việc đọc sách không chỉ giúp phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng, và trí tuệ cảm xúc, mà còn tạo cơ hội để trẻ gắn kết với bố mẹ. Đặc biệt, đọc sách còn nuôi dưỡng khả năng lắng nghe và sự tập trung của trẻ – những kỹ năng quan trọng để trẻ học hỏi và phát triển.

Trẻ nhỏ, với bản năng hiếu động và dễ mất tập trung, thường khó kiên nhẫn với các hoạt động như đọc sách. Việc giúp trẻ tập trung lắng nghe không thể đạt được chỉ bằng những lời nhắc nhở hay mệnh lệnh, mà cần một hành trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn từ bố mẹ. Trong hành trình đó, sách là một trợ thủ đắc lực, và dưới đây là những bài học mình rút ra từ trải nghiệm của bản thân.

Những sai lầm mình từng mắc phải

Sai lầm 1: Thưởng cho con sau khi đọc sách

Khi bé Mèo gần 3 tuổi, mình muốn tạo thói quen đọc sách cho con, nhưng con chỉ thích xếp hình, chơi ô tô và không hứng thú với sách. Để khuyến khích con, mình quyết định thưởng mỗi khi con đọc xong sách, như vẽ hình, tặng sticker, hay cho xem video yêu thích.

Ban đầu, con hợp tác khá tốt, nhưng dần mình nhận ra con không yêu thích sách, mà chỉ mong nhận thưởng. Khi phần thưởng không còn hấp dẫn, con cũng ngừng đọc. Điều này khiến mình nhận ra rằng phần thưởng không phải là cách bền vững để tạo thói quen đọc sách.

Sai lầm 2: Đọc lặp lại một cuốn sách quá lâu

Mình từng nghĩ rằng để con nhớ được nội dung sách, cần đọc lặp đi lặp lại một cuốn trong nhiều ngày. Tuy nhiên, sau 4-5 ngày đọc liên tục, bé Mèo bắt đầu chán và từ chối. Sau này, khi mình đổi sang sách mới, con lại hứng thú hơn. Điều này giúp mình hiểu rằng, trẻ cần sự mới mẻ và đa dạng trong việc đọc sách.

Một số cách mình áp dụng và thấy hiệu quả

1. Hứng thú là chìa khóa

Như tác giả Ibuka Masaru đã nói trong cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì quá muộn”:
“Quan trọng không phải là ta dạy trẻ điều gì, mà là làm cho trẻ hứng thú và say mê với điều đó.”

Trẻ chỉ thực sự học hiệu quả khi có hứng thú. Để nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách, mình bắt đầu bằng cách chọn những cuốn sách có chủ đề con thích, ưu tiên sách tương tác hoặc sách có hình minh họa màu sắc bắt mắt. Mỗi tối, mình dành một khung giờ cố định để ngồi đọc sách. Ngay cả khi con không tham gia, mình vẫn kiên trì đọc một mình, khen ngợi các chi tiết thú vị trong sách để kích thích sự tò mò của con.

Khi con bắt đầu quan tâm, mình đặt quy định: trong lúc đọc sách, cần tập trung và không làm việc khác.

2. Dừng lại khi trẻ còn hứng thú

Quan sát phản ứng của trẻ khi đọc là rất quan trọng. Nếu trẻ bắt đầu mất tập trung, ngáp ngủ, hoặc đổi chủ đề, mình thường dừng lại và tiếp tục vào ngày hôm sau. Việc này giúp trẻ giữ được cảm giác mong chờ và không thấy chán nản.

Ví dụ, khi bé Mèo tỏ ra buồn ngủ trong lúc đọc, mình ngừng đọc và sắp xếp thời gian khác phù hợp hơn. Điều quan trọng là duy trì sự hứng thú của trẻ, không nên ép trẻ đọc khi đã mệt mỏi.

3. Duy trì thói quen và sự tò mò

- Đọc sách vào khung giờ cố định: Mình gắn việc đọc sách với các thói quen hàng ngày, như trước giờ đi ngủ. Một thời gian, bé Mèo không chịu ngủ nếu không được mẹ đọc sách.

 - Liên kết sách với cuộc sống: Mình thường trò chuyện với con về các nhân vật trong sách, liên hệ những gì trong sách với cuộc sống hàng ngày của con. Ví dụ, khi con thích ô tô, mình mua sách về ô tô, in hình ô tô để con tô màu, hoặc mua Lego ô tô để con chơi.

- Đa dạng tủ sách: Mỗi tháng, mình mua 1-2 cuốn sách mới, luân phiên giới thiệu sách cũ và mới để con luôn cảm thấy hứng thú.

Kết luận

Sau gần một năm đồng hành cùng sách, mình nhận thấy bé Mèo đã tiến bộ rất nhiều: từ một em bé chỉ tập trung 5 phút, giờ con có thể ngồi xếp hình suốt một tiếng. Con cũng đã biết diễn tả cảm xúc rõ ràng hơn, chẳng hạn, con mô tả cảm giác "giận mẹ to bằng tòa nhà, còn dỗi mẹ thì nhỏ như cái bàn."

Đọc sách không chỉ giúp con trưởng thành mà còn là cầu nối để cả gia đình thêm gắn kết. Phương pháp này không chỉ áp dụng với việc đọc sách mà còn có thể mở rộng cho bất kỳ kỹ năng nào bạn muốn dạy trẻ. Hãy tạo điều kiện để con yêu thích điều đó trước, và chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với những gì con đạt được.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!