Nên tập trung phát triển điểm mạnh hay tập trung khắc phục điểm yếu

Quỹ thời gian là có hạn, nếu muốn phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn, quan điểm của mình sẽ là nên tập trung 80% thời gian để phát triển điểm mạnh và chỉ 20% dành cho việc khắc phục điểm yếu.

Bài viết này mình sẽ chia sẻ lựa chọn của mình và tại sao mình có lựa chọn đó. Bài hơi dài nhưng cực kì giá trị, các bạn cố gắng đọc tìm được lựa chọn đúng cho mình nhé.

Câu chuyện điểm mạnh, điểm yếu của chính mình

Khi làm việc trong lĩnh vực đăng ký thuốc, mình nhận thấy rằng mình xử lý hồ sơ khá tốt nhưng mình luôn cảm thấy mình chỉ ở mức "khá”. Điều này đặc biệt nổi bật khi mình nghĩ mình vừa cảm thấy mình có khả năng nào đặc biệt, trong khi đó với khả năng giao tiếp, tạo mối quan hệ và theo dõi hồ sơ của mình – một khía cạnh khác trong công việc, mình thấy mình cũng còn nhiều hạn chế. Mình luôn cảm thấy mình cần phải nỗ lực hơn, cải thiện những điểm yếu này. Nhưng việc này làm mình tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí nó việc liên tục đối mặt với những thách thức, suy nghĩ từ điểm yếu của mình làm mình hay bị nản lòng và mất động lực. Hơn thế nữa, bất chấp thời gian và nỗ lực mình bỏ ra, tốc độ cải thiện quả thực là quá hết sức chậm chạp, khó nhìn thấy kết quả ngay và vẫn khó đạt được mức độ tốt như điểm mạnh của người khác. Mọi cố gắng dường như chỉ khiến mình thêm mệt mỏi và chán nản hơn với công việc, với bản thân của mình.

Rồi một ngày, cuộc gặp gỡ không ngờ với một đồng nghiệp ở một bên khác đã khiến mình thay đổi suy nghĩ. Chị ấy là một người mạnh dạn, tự tin, nổi tiếng với khả năng xây dựng mối quan hệ và theo dõi hồ sơ một cách xuất sắc. Mình rất ngưỡng mộ chị ấy. Tuy nhiên, trong một lần trò chuyện, khi chị ấy thừa nhận rằng rất ngưỡng mộ khả năng của mình trong việc đọc và hiểu những văn bản pháp lý, kiến thức chuyên ngành phức tạp - điều mà chị ấy thấy là một thử thách khổng lồ - mình bắt đầu nhìn nhận lại giá trị của bản thân mình từ một góc độ mới.

Làm thế nào mà mình đã không nhận ra được giá trị của khả năng đặc biệt này của mình? Mỗi người đều có thế mạnh riêng biệt của họ. Cô ấy có thể không giỏi trong việc hiểu biết sâu sắc các quy định như mình, nhưng lại vô cùng tài tình trong công việc theo dõi hồ sơ và xây dựng mối quan hệ. Còn mình, mặc dù không thể học cách tốt trong việc giao tiếp, tạo mối quan hệ ngay, nhưng việc đọc tài liệu, đọc sách, học thêm kiến thức chuyên ngành lại là việc mình có thể làm tốt hơn và là việc mình sẵn lòng bỏ thời gian để làm tốt hơn.

Bỗng nhiên, mình nhận ra rằng mình đã dành quá nhiều thời gian để lo lắng về những điểm yếu mà quên mất việc phát huy những điểm mạnh của mình. Tại sao mình không tập trung vào việc trở nên xuất sắc trong những gì mình đã giỏi?

Hãy tưởng tượng mình đang ở trong một căn phòng tối. Để có thể nhìn rõ ràng hơn, chúng ta cần làm gì? Chúng ta bật đèn lên để ánh sáng tràn vào, chỉ chúng ta không thể thu bóng tối lại để cho căn phòng sáng lên. Vậy nên trong cuộc sống cũng thế, chúng ta cần phải 'bật đèn' cho những điểm mạnh của mình, để ánh sáng của chúng có thể xua tan bóng tối của những nỗi lo về nhược điểm. Nhìn xa hơn, khi phỏng vấn, thì điều nhà tuyển dụng quan tâm nhất là gì? Đó là những gì bạn có thể làm tốt, càng xuất sắc càng tốt? Nếu bạn có được một điểm riêng biệt của chính mình, chắc chắn bạn sẽ có một chỗ đứng của chính mình.

Cuộc nói chuyện đó không chỉ giúp mình thấy rõ giá trị của bản thân mà còn nhắc nhở mình rằng, ai cũng có những điểm mạnh của chính mình, thay vì cố gắng sửa chữa mọi khiếm khuyết, mình nên tập trung vào việc trở nên xuất sắc hơn trong những điều mình đã làm tốt. Mình có thể làm tốt hơn trong việc tập trung đọc sách, mình sẽ cố gắng đọc nhiều sách hơn. Mình có thể thể viết tốt, mình sẽ viết nhiều hơn. Mình có tư duy nền tảng tốt, mình sẽ học để tư duy mình trở nên rõ ràng, rành mạch hơn trước.

Sau quá trình tập trung vào việc trở nên tốt hơn trong chính điểm mạnh của mình, mình nhận thấy là năng suất làm việc của mình tăng lên, mình cũng có nhiều niềm vui và duy trì tinh thần làm việc tích cực hơn. Tưởng tượng như khi mình đang khắc phục điểm yếu thì là mình đang đi bộ xong chuyển qua cải thiện điểm mạnh mình như phi băng băng trên xe máy vậy. Nhờ đó, mình cảm thấy tự tin hơn, hạnh phúc và trân trọng bản thân mình hơn. Và cũng nhờ quá trình tập trung điểm mạnh này, website cá nhân của mình Nguyetphung ra đời, Dược và Tôi rồi Dược sĩ học tập và phát triển bản thân bắt đầu hình thành.

Và gần đây, mình cũng bắt đầu suy nghĩ về cách tiếp cận những điểm yếu một cách khôn ngoan hơn. Thay vì để cho chúng làm mình mất đi sự tự tin mà mình mới tìm lại được, mình quyết định rằng mình sẽ khắc phục chúng từ từ bằng chính điểm mạnh mình đang xây dựng.

Mình biết mình không phải là người giỏi giao tiếp trực tiếp, không giỏi làm quen với mọi người. Không giỏi nói, vậy thì mình viết nhiều lên. Không giỏi làm quen, vậy thì mình chia sẻ để mọi người biết mình, hiểu mình hơn và trực tiếp nói chuyện với mình.

Bài học

Việc tập trung cải thiện điểm mạnh thường mang lại hiệu quả cao hơn so với việc cố gắng khắc phục điểm yếu vì các lý do sau:

  • Hiệu quả và năng suất: Khi bạn tập trung vào những gì bạn đã giỏi, bạn có thể phát triển kỹ năng đó nhanh hơn và đạt được hiệu quả cao hơn. Điều này giúp tăng năng suất và khả năng cạnh tranh.
  • Động lực và hạnh phúc: Làm việc trên những điểm mạnh tạo cảm giác thành tựu và thỏa mãn, điều này lại tiếp thêm động lực để bạn tiếp tục cố gắng. Khi bạn làm những điều mình giỏi và thích, bạn cảm thấy hạnh phúc hơn trong công việc.
  • Phát triển chuyên sâu: Tập trung vào điểm mạnh cho phép bạn phát triển chuyên môn sâu, điều này rất quan trọng trong thế giới cạnh tranh hiện nay. Bạn có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, điều này mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn.
  • Tối đa hóa tiềm năng: Mỗi người có một giới hạn khả năng nhất định đối với mỗi kỹ năng. Tập trung vào điểm mạnh giúp bạn tối đa hóa tiềm năng trong những lĩnh vực mà bạn có khả năng tự nhiên cao nhất.
  • Đóng góp lớn hơn: Khi mọi người trong một tổ chức tập trung vào điểm mạnh của họ, họ có thể đóng góp hiệu quả hơn cho mục tiêu chung. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc đa dạng về kỹ năng và hiệu quả cao.

Ngược lại, việc cố gắng cải thiện điểm yếu thường gặp phải các thách thức sau:

  • Chậm tiến bộ: Cải thiện điểm yếu đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực hơn vì đây không phải là lĩnh vực bạn có năng khiếu tự nhiên.
  • Thiếu động lực: Làm việc trên những lĩnh vực bạn không giỏi hoặc không thích có thể khiến bạn cảm thấy nản lòng và thiếu động lực.
  • Giới hạn hiệu quả: Ngay cả khi đã cải thiện, khả năng trong những lĩnh vực yếu kém có thể không bao giờ đạt được mức độ hiệu quả như những điểm mạnh tự nhiên.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về lựa chọn của bản thân trong vấn đề phát triển điểm mạnh và điểm yếu. Tùy mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh chúng ta có thể có lựa chọn khác nhau nhưng nếu các bạn thực sự thấy rằng mình chưa có điểm mạnh gì làm mình tự hào, tự tin về con người của mình, mình khuyên rằng nên tập trung 80% thời gian, tâm trí và sức lực của mình vào cải thiện điểm mạnh, chỉ nên đầu tư 20% dành cho việc khắc phục điểm yếu. 

 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!