Vài dòng về Viết tiếng anh trong IELTs và trong công việc.

Một số suy ngẫm của mình sau khi học khóa IELTs Writing và Writing in Science

Năm ngoái, sau khi hoàn thành khóa học Writing IELTS, mình nhận ra kỹ năng viết của bản thân vẫn còn cần cải thiện rất nhiều.  Đặc biệt là khả năng tự đọc và tự sửa bài viết mà không phải nhờ đến công cụ hỗ trợ như ChatGPT. Thực tế, mình vẫn chưa hiểu rõ một câu văn như thế nào được xem là tốt, và một bài viết như thế nào thì được đánh giá là hay.

Sau đó, một người bạn giới thiệu cho mình khóa học "Writing in Sciences" trên Coursera. Vì khóa học này miễn phí nên mình đã đăng ký học thử. Thật bất ngờ là khóa học rất hay và hữu ích, khiến mình nhận ra rằng: đôi khi vấn đề không hẳn do mình yếu kỹ năng đọc hiểu, mà chính là do một số bài viết khoa học được trình bày theo cách gây khó khăn cho độc giả. Khóa học cũng nhấn mạnh rằng một bài viết tốt là bài viết mà nhiều đối tượng độc giả đều có thể hiểu được—kể cả những người không cùng chuyên ngành, miễn là họ có kiến thức cơ bản thông thường.

Điều này nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng thú thật là trước đây mình không hề để ý tới. Chẳng hạn như khi viết các email trao đổi trong công việc, mình thường mặc định rằng người đọc sẽ có cùng góc nhìn và kiến thức chuyên môn như bản thân. Hậu quả là phải trao đổi qua lại rất nhiều lần để cả hai bên thật sự hiểu rõ ý của nhau.

Khóa học này cũng đưa ra một số nguyên tắc cơ bản rất hữu ích mà mình nghĩ hoàn toàn có thể áp dụng ngay vào việc viết email hoặc báo cáo hằng ngày. Ví dụ, không nên sử dụng các cụm từ dài dòng như “It should be emphasized that”, “As it has been shown” hay “It can be regarded that”. Những cụm từ này thực chất là dư thừa, không làm rõ nghĩa hơn mà chỉ khiến câu văn dài dòng, khó đọc. Một lời khuyên quan trọng nữa từ khóa học là hạn chế việc lạm dụng các từ nối đầu câu (như "However", "Moreover", "Furthermore"). Thay vào đó, chúng ta nên ưu tiên kết nối các câu bằng cách sắp xếp nội dung logic và mạch lạc hơn. Việc dùng quá nhiều từ nối có thể làm người đọc cảm thấy như chúng ta đang cố "thông báo": "Này, tôi đang chuyển sang ý khác đây!", gây mất tự nhiên và làm giảm sự tập trung.

Tuy nhiên, mình cũng nhận thấy các nguyên tắc viết này khá khác biệt so với những gì mình từng học trong khóa IELTS Writing trước đây. Nguyên nhân có thể là do IELTS Writing chủ yếu tập trung vào Academic Writing (văn phong học thuật), thường sử dụng trong môi trường giáo dục với mục đích thể hiện năng lực ngôn ngữ, khả năng phân tích chuyên sâu và tư duy phức tạp. Trong khi đó, các email hay tài liệu trong công việc (Business Writing) lại ưu tiên tính rõ ràng, ngắn gọn và hiệu quả nhằm thúc đẩy hành động thực tế.

Chính vì vậy, mình quyết định tạm dừng ý định ôn thi IELTS để dành thêm thời gian tìm hiểu kỹ hơn về Academic Writing, Business Writing và sự khác biệt giữa hai phong cách viết này.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!