Học dược ra làm gì? Dược sĩ làm gì? 14 công việc học ngành dược học xong bạn có thể làm.

Ra trường làm gì luôn là vấn đề được các bạn sinh viên dược và các bậc phụ huynh quan tâm. Bài này, mình sẽ trình bày một cách khái quát 14 công việc mà học ngành dược xong có thể làm, nơi làm việc, và công việc của dược sĩ trong mỗi vị trí.

Nếu các bạn đã đọc bài về các môn học trong trường Dược, chắc hẳn các bạn sẽ thấy rằng học Dược sẽ học rất nhiều về Hóa học và Bào chế, có thể có nhiều bạn sẽ băn khoăn nếu mình không giỏi hóa, không thích hóa thì sau này ra trường không biết nên làm gì nhỉ. Và như mình cũng đã từng chia sẻ, thực tế là học dược xong, các bạn có cơ hội được làm việc trong tất cả các vị trí liên quan đến vòng đời nghiên cứu và lưu hành sản phẩm y tế (bao gồm thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và một phần thiết bị y tế). Hoặc bạn có thể làm giảng viên giảng dạy một bộ môn nào đó ở ngành Dược. Do đó, bạn không nhất thiết phải giỏi tất cả các môn trên để có thể làm việc trong lĩnh vực Dược. Để tiện trình bày trong bài này, mình có thể sẽ gọi các sản phẩm y tế là thuốc, nhưng mọi người có thể hiểu là sản phẩm này có thẻ bao gồm thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hay thiết bị y tế.

Bài này, mình sẽ trình bày một cách khái quát 14 công việc mà học ngành dược xong có thể làm, nơi làm việc, vai trò và nhiệm vụ chính của dược sĩ trong mỗi công việc.

                             (Video: Dược sĩ ra trường làm gì. Giải thích về vòng đời sản phẩm dược phẩm)

Học dược ra làm gì

Ngày xưa, đến tận lúc tốt nghiệp mình vẫn chưa hình dung được các công việc mà học xong  thì sẽ làm. Sau này mình mới hiểu ra rằng, đơn giản mà nói, ngoài làm giảng viên dược, khi tốt nghiệp ngành Dược học, dược sĩ có thể làm tất cả các công việc liên quan đến vòng đời của sản phẩm dược phẩm như ở dưới đây:

Học dược ra làm gì? Dược sĩ làm gì? 14 công việc học ngành dược học xong bạn có thể làm. - Ảnh 1

Tương ứng với mỗi bước là các công việc như sau:

Bước 1: Nghiên cứu và phát triển 

  • Nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm
  • Dược sĩ lâm sàng

Bước 2: Đăng kí lưu hành

  • Nhân viên đăng ký thuốc
  • Dược sĩ quản lý dược phẩm ở cơ quan nhà nước

Bước 3Sản xuất 

  • Nhân viên cung ứng
  • Nhân viên đảm bảo chất lượng
  • Nhân viên kiểm tra chất lượng
  • Nhân viên sản xuất

Bước 4Lưu hành thuốc trên thị trường

  • Dược sĩ bán thuốc
  • Trình dược viên
  • Marketing dược
  • Nhân viên thầu thuốc
  • Dược sĩ bệnh viện

Bước 5Theo dõi và kiểm soát chất lượng sau lưu hành

  • Dược sĩ trong các trung tâm, viện kiểm nghiệm (Nhân viên phòng kiểm tra chất lượng)
  • Dược sĩ phụ trách đảm bảo chất lượng thuốc trong các công ty nhập khẩu, phân phối, hãng. (Nhân viên phòng đảm bảo chất lượng)

Các công việc của dược sĩ học ngành Dược học có thể làm

Nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm

Học dược ra làm gì? Dược sĩ làm gì? 14 công việc học ngành dược học xong bạn có thể làm. - Ảnh 2

Dược sĩ đại học ngành dược ra trường có thể việc ở phòng nghiên cứu phát triển có thể làm trực tiếp ở nhà máy sản xuất hoặc các công ty phân phối, nhập khẩu có tuyển vị trí này.

Công việc của dược sĩ nghiên cứu phát triển trong nhà máy sản xuất:

Dược sĩ nghiên cứu phát triển chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các kế hoạch nghiên cứu và phát triển thuốc. Công việc của dược sĩ cũng bao gồm đánh giá khả năng hiệu quả và an toàn của thuốc mới, đồng thời phát triển các phương pháp mới để sản xuất thuốc đã có.

Thực tế hiện nay ở Việt Nam, mình thấy các dược sĩ sẽ chủ yếu nghiên cứu các sản phẩm thành phẩm từ các hoạt chất đã được đăng kí và lưu hành ở nước ngoài, hoặc nghiên cứu các chiết xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu, dược cổ truyền. Nếu các bạn yêu thích nghiên cứu, tìm tòi và có thế mạnh ở việc này, sau khi học Đại học dược, các bạn có thể làm việc ở phòng Nghiên cứu phát triển sản phẩm ở các nhà máy sản xuất. 

Còn nếu các bạn yêu thích nghiên cứu, phát mình ra một loại thuốc mới hay tìm hiểu tác dụng của các hoạt chất mới (ví dụ như nghiên cứu phát triển vacxin mới ngừa Covid hay như tìm ra một loại thuốc kháng sinh mới), thì ở Việt Nam hầu như ít phát triển về mảng này và mình nghĩ du học sẽ là lựa chọn tốt hơn. 

Công việc của dược sĩ nghiên cứu phát triển trong công ty phân phối, nhập khẩu:

Vai trò, nhiệm vụ chính của các dược sĩ phòng nghiên cứu phát triển trong công ty phân phối là phối hợp với bộ phận Marketing, bộ phận bán hàng để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và tìm được sản phẩm tiềm năng cho công ty. Công việc cũng có thể bao gồm tìm kiếm trực tiếp các sản phẩm có sẵn ở các nhà cung cấp hoặc cũng có thể tìm hiểu các thành phần, hoạt chất tiềm năng để đặt hàng sản xuất ở các công ty sản xuất khác.

Dược sĩ lâm sàng

Học dược ra trường thi các bạn cũng có thể trở thành dược sĩ lâm sàng và làm việc tại các công ty nghiên cứu lâm sàng hoặc các bệnh viện.

Công việc của dược sĩ lâm sàng  ở các công ty thực hiện các nghiên cứu lâm sàng hoặc các công ty hỗ trợ giám sát nghiên cứu lâm sàng (CRO) để thực hiện các nghiên cứu thử nghiệm của thuốc trước khi lưu hành trên thị trường hoặc đánh giá hiệu quả, tính an toàn, chỉ định mới của thuốc sau khi lưu hành thuốc. Tuy nhiên, để tiến hành các nghiên cứu lâm sàng cũng là một việc đòi hỏi chi phí lớn, do đó rất ít các công ty của Việt Nam thực hiện các nghiên cứu này và các công ty tuyển dụng vị trí này cũng không nhiều.

Công việc của các dược sĩ lâm sàng trong bệnh viện sẽ là phối hợp với các bác sĩ, tư vấn, ban hành các hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Trước đây thì vai trò của các dược sĩ lâm sàng trong bệnh viện là rất hiếm và không phát huy được hết tiềm năng của mình. Tuy nhiên mình thấy hiện nay đã có một số bệnh viện lớn đang triển khai và sử dụng dược sĩ lâm sàng đúng với vai trò của mình.

Nhân viên đăng ký thuốc

hoc-duoc-ra-lam-gi-dang-ky-thuoc

Dược sĩ đại học ra trường có thể lựa chọn nghề đăng ký thuốc, làm việc tại các công ty dịch vụ, công ty phân phối, nhập khẩu, công ty sản xuất hay các hãng dược phẩm.

Ở bước này, công việc của nhân viên đăng kí thuốc là phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký, nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý dược, theo dõi và đảm bảo sản phẩm được phê duyệt và lưu hành như kế hoạch.

Hiện nay tất cả các sản phẩm dược phẩm như thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị y tế đều phải được cấp phép trước khi lưu hành. Nếu các bạn mua một sản phẩm trên thị trường mà không thấy có thông tin gì về số đăng kí, hay số tiếp nhận, các bạn nên hiểu rằng sản phẩm đó chưa chứng minh được nó đáp ứng về mặt tiêu chuẩn và chất lượng với cơ quan quản lý Việt Nam. 

Dược sĩ quản lý dược phẩm ở cơ quan nhà nước

Bạn cũng có thể trở thành công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước làm tại các cơ quan dược phẩm nhà nước như phòng nghiệp vụ dược - sở y tế, cục quản lý dược, cục an toàn thực phẩm, vụ trang thiết bị và công trình y tế,...

Như mình đã từng chia sẻ, dược phẩm là sản phẩm y tế có vai trò rất quan trọng với sức khỏe cộng đồng. Đồng nghĩa đó là các sản phẩm y tế chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước. Vai trò của các dược sĩ trong các cơ quan quản lý đó chính là quản lý chất lượng, giá cả, thông tin quảng cáo,...của các sản phẩm dược phẩm và quản lý các công ty dược phẩm hoạt động trong lĩnh vực đó.

Nhân viên cung ứng

Học xong hệ đại học, hệ cao đẳng hay các hệ khác, sinh viên dược có cơ hội trở thành nhân viên bộ phận cung ứng hay nhân viên phòng kế hoạch. Với vị trí này, bạn có thể làm việc tại các nhà máy sản xuất hay các công ty phân phối, nhập khẩu. 

Công việc của nhân viên phòng cung ứng chủ yếu là quản lý lên kế hoạch mua sắm hàng hóa, nguyên liệu, sản phẩm cho phù hợp. Một số công ty nhân viên phòng cung ứng cũng đảm nhiệm vị trí xuất, nhập khẩu hàng hóa .

Nhân viên đảm bảo chất lượng

Sinh viên ngành Dược học tốt nghiệp cũng cơ hội trở thành nhân viên phòng đảm bảo chất lượng, và làm việc tại các nhà máy sản xuất, hoặc cũng có một số công ty phân phối, nhập khẩu hay hãng tuyển vị trí này riêng.

Vai trò chính của nhân viên phòng đảm bảo chất lượng ở công ty sản xuất chủ yếu là đảm bảo, giám sát các hoạt động của phòng ban và phân xưởng sản xuất để đảm bảo đúng các quy trình đã đề ra, đồng thời phát hiện sai sót và tìm cách xử lý. Mọi người hay ví von là nhân viên phòng đảm bảo chất lượng như là "công an" và "bị ghét" vì nhiệm vụ giám sát của mình. Nhưng vai trò của các dược sĩ phòng đảm bảo chất lượng là cực kì quan trọng nhé.

Vai trò dược sĩ phụ trách đảm bảo chất lượng thuốc trong các công ty nhập khẩu, phân phối là xây dựng các kế hoạch, kiểm tra theo dõi chất lượng để đảm bảo thuốc đạt chất lượng như đã đăng kí. Cũng như đề ra các phương án xử lý, thu hồi khi có thuốc kém chất lượng.

Nhân viên kiểm tra chất lượng

Dù học hệ đại học, cao đẳng, hay trung cấp, các sinh viên cũng có cơ hội trở thành nhân viên kiểm tra chất lượng, và làm ở các nhà máy sản xuất hoặc các trung tâm kiểm nghiệm. Đây là một nghề rất phù hợp cho các bạn yêu thích bộ môn hóa phân tích hay kiểm nghiệm thuốc.

Vai trò của các dược sĩ phòng kiểm tra chất lượng chủ yếu là kiểm tra chất lượng của nguyên vật liệu đầu vào và chất lượng của thành phẩm. Chỉ khi có dấu của phòng kiểm tra chất lượng (hay QC pass) thì nguyên liệu mới được sử dụng và thành phầm mới được xuất xưởng.

Công việc chủ yếu của các dược sĩ trong phòng kiểm tra chất lượng ở các trung tâm kiểm nghiệm thuốc là kiểm tra chất lượng thuốc sau khi lưu hành (có thể là trước khi lưu hành theo đề án nghiên cứu hoặc theo đề nghị của các công ty), làm dịch vụ kiểm nghiệm cho các công ty.

Nhân viên sản xuất

Học dược ra làm gì? Dược sĩ làm gì? 14 công việc học ngành dược học xong bạn có thể làm. - Ảnh 4

Sinh viên học khoa Dược ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp ra trường cũng có cơ hội trở thành nhân viên sản xuất và làm việc ở các nhà máy sản xuất.

Trong giai đoạn này, vai trò của nhân viên sản xuất là tiến hành sản xuất đúng theo các quy trình và tiêu chuẩn chất lượng đã được ban hành. Các quy trình phải được tuân thủ chặt sẽ theo các SOP (Quy trình thao tác chuẩn) và nguyên tắc thực hành tốt (GMP thuốc, GMP Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ISO vơi thiết bị y tế,...) để đảm bảo chất lượng, tránh nhiễm chéo và độ đồng nhất giữa các lô.

Thực sự với mình, công việc của các dược sĩ sản xuất trong khâu này rất quan trọng, và đòi hỏi cẩn thận tỉ mỉ trong những việc nhỏ nhất. Đợt mình mới đi làm ở nhà máy, mình được giao xuống xưởng để học tập các công đoạn ở giai đoạn pha chế. Lúc đó, sau quá trình pha chế thấy các anh chị có làm rất vất vả và hào hứng đề nghị mình được giúp đỡ ở khâu mình nghĩ là rất đơn giản: vệ sinh. Tuy nhiên mình mới lau sàn được một chút thì mình đã bị cho "ra rìa" vì cách đưa chổi lau không đúng, dễ bẩn lại. Thay vì đưa chổi theo 1 hướng để lau xong và không bị dây bẩn ngược lại thì mình cứ quẹt chổi qua lại. Sau đó mình mới hiểu được là vệ sinh khâu cực kì quan trọng trong sản xuất, nếu không đúng cách sẽ dẫn đến sản phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm chéo các hoạt chất với nhau.

Dược sĩ bán thuốc

hoc duoc ra lam gi duoc si tu van

Sinh viên học khoa Dược ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp ra trường cũng có thể trở thành dược sĩ bán thuốc. Công việc này tại các nhà thuốc, quầy thuốc của tư nhân, của công ty dược hay các phòng khám, bệnh viện.

Thông thường, đây là bước mà vai trò của các dược sĩ được biết mọi người biết đến một cách rộng rãi nhất. Ở Việt Nam, có hơn 57,000 nhà thuốc, và là nơi gần nhất và đơn giản nhất để người bệnh có thể tiếp cận khi bị ốm, công việc của các dược sĩ bán thuốc là rất quan trọng. Nhất là trong bối cảnh chi phí khám chữa bệnh đắt đỏ và mất thời gian, người dân hay chọn luôn nhà thuốc để làm kênh tư vấn đầu tiên. Bởi tầm quan trọng như thế, bán thuốc cần thiết cho bệnh nhân hay khi nào khuyên bệnh nhân nên đi khám, đó là vai trò và cũng là trách nhiệm của dược sĩ bán thuốc.

Trình dược viên

Học dược ra làm gì? Dược sĩ làm gì? 14 công việc học ngành dược học xong bạn có thể làm. - Ảnh 5

Học ngành Dược xong bạn cũng có thể trở thành trình dược viên, và làm việc ở tất cả công ty dược như công ty phân phối, nhập khẩu, sản xuất hay các hãng dược phẩm

Nghề trình dược viên hay nhân viên sales là vị trí rất hay được tuyển dụng trong ngành Dược. Bởi vì thuốc là một mặt hàng đặc biệt, có rất nhiều sản phẩm thuốc kê đơn không được bán trực tiếp đến với bệnh nhân mà phải thông qua sự kê đơn của bác sĩ. Và vì thế công việc của trình dược viên (hay còn gọi là trình dược viên ETC) sẽ là người trực tiếp giới thiệu thông tin sản phẩm thuốc đến với bác sĩ.

Ngoài ra, trình dược viên (hay còn gọi là trình dược viên OTC) cũng là người sẽ giới thiệu thông tin sản phẩm dược phẩm đến với các nhà thuốc, . Do có những sản phẩm bán không cần phải sự kê đơn của bác sĩ, có nhiều công ty tuyển dụng vị trí này không yêu cầu phải có bằng ở ngành Dược học.

Marketing Dược

Học dược ra làm gì? Dược sĩ làm gì? 14 công việc học ngành dược học xong bạn có thể làm. - Ảnh 6

Các dược sĩ cũng có thể lựa chọn làm marketing dược thường được tuyển dụng ở các công ty phân phối, nhập khẩu, sản xuất thuốc hay các hãng dược phẩm.

Công việc chính của các nhân viên marketing dược chính là thực hiện các chính sách quảng cáo, thúc đẩy doanh số sản phẩm. Cũng như vị trí trình dược viên, với các công ty có các sản phẩm dược thông dụng (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc không kê đơn...), thì sẽ không bắt buộc bằng cấp ngành Dược ở vị trí này.

Nhân viên thầu thuốc

Nhân viên thầu thuốc cũng là một nghề được nhiều bạn sinh viên lựa chọn làm sau khi ra trường. Ở vị trí này, các bạn sẽ làm việc ở các công ty phân phối, nhập khẩu, sản xuất thuốc hay các hãng dược phẩm.

Thuốc là mặt hàng được Bộ y tế quản lý và các bệnh viện tổ chức đấu thầu để mua được giá tốt và chất lượng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Công việc chính của nhân viên thầu dược phẩm thường là chuẩn bị hồ sơ đấu thầu thuốc, nộp và theo dõi hồ sơ thầu hay có thể làm hợp đồng đấu thầu thuốc.

Dược sĩ bệnh viện

Học dược ra làm gì? Dược sĩ làm gì? 14 công việc học ngành dược học xong bạn có thể làm. - Ảnh 7

Học dược học xong, các bạn cũng có cơ hội Dược sĩ bệnh viện thường làm trong khoa Dược các bệnh viện.

Công việc của dược sĩ tại bệnh viện là lập kế hoạch cung ứng, mua bán, đầu thầu sản phẩm dược phẩm; Làm việc trực tiếp với các bác sĩ để đảm bảo thuốc được sử dụng đúng liều, đúng loại và đạt hiệu quả tốt nhất.

Giảng viên dược

Học dược ra làm gì? Dược sĩ làm gì? 14 công việc học ngành dược học xong bạn có thể làm. - Ảnh 8

Ngoài các vị trí trên, nếu thành tích học tập xuất sắc, sau khi ra trường, các bạn cũng có thể lựa chọn trở thành giảng viên Dược để giảng dạy, nghiên cứu các khoa hoặc bộ môn mà mình yêu thích và có tiềm năng. Vai trò và nhiệm vụ của các giảng viên ngành Dược là vô cùng quan trọng, các thầy cô không chỉ là những người lái đó hướng dẫn chúng ta mà thầy cô cũng có thể hợp tác với các công ty dược để thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hay tư vấn để cải tiến sản phẩm, nâng cao năng suất lao động. Công việc của các giảng viên đại học dược cũng bao gồm phối hợp với cơ quan quản lý để giúp thẩm định và tư vấn hồ sơ thuốc.

Học đại học dược ra làm gì

Dược sĩ đại học sau khi ra trường có thể làm ở tất cả các công việc đòi hỏi trình độ dược sĩ và tất nhiên là có thể làm cả 14 công việc kể trên, tùy theo năng lực và khả năng của mỗi bạn.

Học cao đẳng dược ra làm gì

Dược sĩ cao đẳng ra trường cũng có thể làm cả 14 vị trí công việc kể trên, tuy nhiên có thể sẽ ít được ưu tiên hơn dược sĩ đại học nên bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng thật tốt trong khi học tập trên ghế nhà trường. Một số vị trí ít khi tuyển dụng với dược sĩ cao đẳng như sau:

  • Nhân viên nghiên cứu phát triển
  • Dược sĩ lâm sàng.
  • Giảng viên dược.

Như vậy, dược sĩ cao đẳng ra có thể làm các công việc sau:

  • Nhân viên đăng kí thuốc (Dược sĩ cao đẳng có thể được tuyển dụng ở vị trí này tuy nhiên mình thấy chủ yếu sẽ là đăng kí thực phẩm chức năng, thiết bị y tế hoặc sẽ ở vị trí follow hồ sơ)
  • Dược sĩ quản lý dược phẩm ở cơ quan nhà nước
  • Nhân viên cung ứng
  • Nhân viên đảm bảo chất lượng
  • Nhân viên kiểm tra chất lượng
  • Nhân viên sản xuất 
  • Dược sĩ bán thuốc
  • Trình Dược viên
  • Marketing Dược
  • Nhân viên thầu thuốc
  • Dược sĩ bệnh viên (phụ trách công tác cung ứng thuốc)

Học trung cấp dược ra làm gì

Thông thường mình thấy có rất nhiều bạn học trung cấp dược vì trở thành chủ quầy thuốc hoặc nhân viên bán thuốc, tuy nhiên ở vị trị trung cấp dược, các bạn cũng có thể làm việc ở các vị trí sau:

  • Nhân viên đăng kí thuốc (thường sẽ ở sẽ ở vị trí follow hồ sơ hoặc đăng kí thực phẩm chức năng)
  • Nhân viên cung ứng
  • Nhân viên đảm bảo chất lượng (Thường hay tuyển dụng vị trí IPC)
  • Nhân viên kiểm tra chất lượng (kỹ thuật viên)
  • Nhân viên sản xuất (kỹ thuật viên)
  • Dược sĩ bán thuốc
  • Trình Dược viên
  • Nhân viên thầu thuốc

TỔNG KẾT

Trên đây là kinh nghiệm của mình về một số vị trí việc làm cơ bản, nhiệm vụ và vai trò của mỗi vị trí mà các dược sĩ đại học, dược sĩ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp dược có cơ hội để làm sau khi tốt nghiệp ngành Dược . Và có thể có một số vị trí đặc thù khác theo nhu cầu tuyển dụng của mỗi công ty nhưng tóm lại, bạn có thể kinh doanh, nghiên cứu, làm văn phòng hay làm giảng viên, tất cả là phụ thuộc vào năng lực và đam mê của bạn. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về vai trò của mỗi vị trí, bằng cấp và các kĩ năng cần chuẩn bị để phù hợp với mỗi vị trí công việc, hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của mình nhé.

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!