Học dược có khó không: Những khó khăn khi học ngành dược và khi đi làm trong ngành Dược

Học dược có khó không? Làm ngành dược có khó không?

Ngành dược học đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và cải thiện sức khỏe của con người, nhưng đồng thời cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho những người học và làm việc trong lĩnh vực này.

Dưới đây là một số khó khăn chung mà mình nghĩ rằng các sinh viên học dược và người làm trong ngành dược thường phải đối mặt:

Học dược có khó khăn không?

Học Dược có khó không cũng là một trong những câu hỏi đầu tiên mà các bạn quan tâm trước khi quyết định học ngành Dược. Thực tế là học ngành Dược có khó bạn đó các bạn, tuy nhiên độ khó của nó sẽ phụ thuộc nhiều vào bạn học trung cấp dược, cao đẳng dược, hay đại học dược. Nó cũng phụ thuộc lớn vào thái độ, cách thức học của bạn.  

Theo ý kiến mình, những khó khăn khi học ngành dược mà sinh viên hay gặp phải kể đến như:

1. Khối lượng kiến thức học dược lớn 

Lĩnh vực Dược học yêu cầu phải lắm vững một lượng kiến thức lớn về hóa học, sinh học và tác dụng của các loại thuốc khác nhau. 

Theo kinh nghiệm của mình, khi học ngành dược, để qua được các môn thì không quá khó, sinh viên chỉ cần học thuộc những kiến thức trọng tâm trong sách là có thể dễ dàng đạt được điểm 6, 7 ở kỳ thì cuối kỳ. Tuy nhiên để học và hiểu sâu về cơ chế hoạt động của mỗi loại thuốc, tác động của chúng lên cơ thể và vì sao chúng lại có những tác dụng đó thì đòi hỏi sự tập trung, sự tìm hiểu và rất nhiều nỗ lực.

Tìm hiểu thêm về ngành dược và các môn học trong ngành dược: Tổng quan ngành dược

2. Học ngôn ngữ chuyên ngành dược phức tạp

Ngành Dược có rất nhiều ngôn ngữ chuyên ngành không thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nên có thể sinh viên sẽ mất thời gian ban đầu để làm quen và nhớ được ý nghĩa của những cụm từ đó. 

Khó khăn không chỉ ở phải học ngôn ngữ tiếng Việt, khi học ngành dược, sinh viên còn cần học và nhớ các cụm từ, tên khoa học (tiếng Latin) của các loài thực vật, dược liệu, các loại vi sinh vật,…

3. Học dược đi đôi với thực hành

Ngành học này cũng đòi hỏi thời gian thực hành tương đối nhiều. Thời gian thực hành các môn học ở trường dược cũng rất nhiều, đòi hỏi khoảng 30 – 40% thời gian học lý thuyết trong đó chủ yếu là thực hành tại trường và có một số môn sẽ thực hành tại các bệnh viện. Thực hành có thể nói là một trong những buổi học căng thẳng nhất khi học dược. Nó đòi hỏi sự tỉ mí, cẩn thận, chính xác và kiên nhẫn với tất cả các sinh viên ngành dược. Bạn có thể phải cẩn thận cân đo từng 0,5ml khi làm các phản ứng hóa học, có thể phải căng mắt ra để phân biệt các loại ký sinh trùng trong kính hiển vi, hay phải tập trung toàn tâm toàn ý để qua các bài kiểm tra về phân biệt các loại thực vật, dược liệu được giao….Nếu không cẩn thận, sinh viên dược cũng có thể sẽ làm vỡ các dụng cụ thí nghiệm và phải đền lại cho bộ môn.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất với mình khi thực tập đó lại thực tập Thực vật. Lớp mình được xếp kiểm tra thực vật vào buổi sáng thứ 6 và do không chịu khó học nên mình đã tạch. Sau khi tạch xong thì mình biết được tin là mình bắt buộc phải thi lại ngay vào buổi chiều thứ 6 tuần đó, vì đó là buổi cuối cùng thực tập nội dung này và tuần sau sẽ chuyển sang thực tập phần khác. Trưa hôm đó, mình ngồi cắm đầu cắm cổ học, không dám nghỉ để ăn trưa luôn. Không biết có phải là các thầy cô thương tình nhớ mặt mình mới tạch buổi sáng hay là do hên mà chiều được giao đề thực tập không bị khó quá nên được qua luôn. Nhưng từ lần đó, mình vẫn nhớ không dám lơ là với các phần thi thực tập nữa.

4. Kiến thức học ngành dược đa dạng

Ngành học này cũng đòi học kiến thức đa dạng ở các lĩnh vực. Học ngành dược là không chỉ được học về bản chất, cấu tạo, tổng hợp và tác dụng của các hoạt chất lên cơ thể người, sinh viên còn phải học về quá trình nghiên cứu, phát triển các dạng bào chế của thuốc; quy trình sản xuất thuốc, quy trình bán lẻ thuốc, quy trình phân phối và bảo quản thuốc; marketing thuốc,….

Phần kiến thức chuyên ngành này sẽ được học khác nhau tùy theo chuyên khoa mà các sinh viên chọn. Trước mình theo chuyên khoa công nghiệp dược nên sẽ được học nhiều hơn về quy trình sản xuất thuốc, quy tắc thực hành tốt sản xuất thuốc, các máy móc sử dụng trong quá trính sản xuất,..

Làm việc trong ngành dược có khó không?

Khó khăn chung nhất mà mình thấy khi làm trong ngành dược đó chính là ngành dược là ngành đặc thù ngành liên quan đến sức khỏe. Làm việc trong ngành dược đồng nghĩa bạn sẽ phải tuân theo rất nhiều quy định, thậm chí có nhiều việc nếu không cẩn thận cũng sẽ làm sai luật và có thể bị phạt. Ngoài ra, tùy theo mỗi nghề, mỗi vị trí trong ngành dược bạn sẽ đối mặt với những khó khăn khác nhau.

Để tìm hiểu về những công việc của dược sĩ, tham khảo ở đây: Lương dược sĩ và cơ hội nghề nghiệp

Sau đây, mình sẽ điểm qua một vài khó khăn khi làm nghề dược:

1. Khó khăn khi làm ở lĩnh vực nghiên cứu phát triển.

Hầu hết các nguồn nguyên liệu (bao gồm cả hoạt chất và tá dược) để sản xuất thuốc hóa dược, thuốc dược liệu ở Việt Nam là đều nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc,.. chỉ có rất ít đơn vị sản xuất được nguồn nguyên liệu như Curcumin, cao dược liệu,…

Khi học dược, đặc biệt là đại học dược, sinh viên được học rất nhiều về hóa học, tổng hợp hóa dược, do đó có rất nhiều bạn ra trường muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu tổng hợp hoạt chất hóa dược. Tuy nhiên, nếu bạn nào hỏi mình về lĩnh vực này, mình đều trả lời rằng nếu em thực sự đam mê, hãy tìm cách để được đi du học để học và làm trong lĩnh vực này, và có thể sau này về Việt Nam để công hiến sau. 

Ngoài tổng hợp hóa dược, các bạn vẫn có thể làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D) thành phẩm thuốc Generic. Có rất nhiều công đoạn cần nghiên cứu nghiên cứu công thức bào chế, quy trình sản xuất phù hợp với từng hoạt chất cũng là một điều rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự thông minh, kiên nhẫn, quan sát và nhiều quá trình thử nghiệm. Khó khăn với các bạn làm R&D là chi phí đầu tư mà các công ty đồng ý đầu tư không có nhiều, trong khi đó nguồn tài liệu tham khảo, hướng dẫn còn hạn chế nên cũng đòi hỏi tính linh động cao ở các bạn làm R&D.

2. Khó khăn khi làm ở nhà máy sản xuất

Công việc trong các nhà máy thường đòi hỏi độ chính xác cao và tuân theo các quy trình sản xuất nghiêm ngặt, vì một sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng thuốc. Điều này cũng tạo ra áp lực lớn và khó khăn đối với những người làm việc trong lĩnh vực này. Trong khi đó, giá bán các sản phẩm thuốc trong nước còn chưa cao, lợi nhuận thấp, dẫn đến mức lương trung bình của các dược sĩ sản xuất có thể chưa được như kỳ vọng (tất nhiên không phải tất cả các nhà máy đều như thế mà mình chỉ đang nói đến mức lương trung bình).

Tính theo mỗi địa điểm của nhà máy và theo danh sách cập nhật đến 07/2023, Việt Nam có 271 cơ sở sản xuất thuốc đạt GMP, trong đó có 14 cơ sở đạt EU-GMP, 04 cơ sở đạt Japan-GMP (tương đương EU). Nếu các bạn nào muốn làm ở nhà máy sản xuất thuốc (trừ thuốc cổ truyền) ở Việt Nam thì bắt buộc phải làm ở một trong các cơ sở đạt GMP như trên, hoặc chuyển sang làm bên nhà máy sản xuất thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị y tế. Và không phải tỉnh thành nào cũng sẽ có nhà máy sản xuất dược phẩm, hoặc có những tỉnh sẽ chỉ có 1 – 2 nhà máy đặt tại đó. Nếu bạn chưa lập gia đình, bạn có thể thoải mái chuyển sang một tỉnh thành khác nếu không đồng ý với các chính sách, môi trường làm việc ở công ty. Nếu đã lập gia đình và không muốn di chuyển quá xa, có thể bạn sẽ phải cân nhắc kỹ giữa việc ở lại chấp nhận nơi đó hay là chuyển sang một nơi khác xa nơi gia đình bạn đang sinh sống. Với mình, đây cũng là một trong những khó khăn lớn khi làm việc tại nhà máy.

3. Khó khăn khi làm ở các nhà thuốc, quầy thuốc

Có khoảng 60000 nhà thuốc, quầy thuốc ở Việt Nam nên đây cũng là một trong những nơi tuyển nhiều dược sĩ nhất.

Theo mình, khó khăn nhất khi làm nhân viên ở các nhà thuốc, quầy thuốc đó chính là vấn đề về lương, lương sẽ không quá cao so với mong đợi của mọi người. Còn khi bạn trở nên làm chủ, bạn sẽ không chỉ phải lo lắng cân đối về sự cạnh tranh, về chi phí và lợi nhuận của nhà thuốc, bạn còn sẽ phải tuân thủ rất nhiều các quy định liên quan đến luật dược, thanh tra kiểm tra nhà thuốc.

Ví dụ đơn giản như, luật dược sẽ yêu cầu chỉ được bán các thuốc kê đơn (như kháng sinh Augmentin, chống viêm như Medrol..) khi có sự kê đơn của bác sĩ, nhưng có rất nhiều bệnh nhân ra nhà thuốc, quầy thuốc và muốn mua các loại thuốc này. Trong trường hợp đó bạn sẽ làm gì? Bán thì trái với luật, nếu gặp đúng thanh tra hỏi mua thì còn bị phạt? Không bán thì sẽ mất khách hàng, mất lợi nhuận?

4. Khó khăn khi làm trình dược viên

Thị trường Việt Nam không chỉ có các thuốc sản xuất trong nước mà còn chiếm phần hơn là thuốc nhập khẩu nước ngoài. Do đặc thù về ngành dược, có nhiều sản phẩm không được giới thiệu trực tiếp đến tay người tiêu dùng, do đó, trình dược viên cũng là một trong những vị trí được tuyển dụng nhiều nhất.

Theo kinh nghiệm của mình, có lẽ áp lực và khó khăn lớn nhất của trình dược viên đó chính là phải đạt đủ doanh số. Tháng nào cũng thế, nếu chưa đạt được đủ doanh số bán hàng sản phẩm, bạn sẽ phải liên tục suy nghĩ và tìm cách để đạt được KPI của mình. Nếu làm cho các công ty dược phẩm có tiếng và có sẵn tệp khách hàng, bạn sẽ nhẹ nhàng hơn trong việc giới thiệu sản phẩm của mình. Nếu làm trong các công ty dược phẩm mới và sản phẩm chưa được nhiều người biết đến, bạn sẽ rất khó khăn để thuyết phục các chủ nhà thuốc, bác sĩ đặt hàng của bạn.

Kết luận

Mặc dù có những khó khăn, mình tin rằng ngành dược vẫn hấp dẫn với những người yêu thích nghiên cứu, muốn đóng góp vào sức khỏe cộng đồng và thấy hạnh phúc khi có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của con người thông qua kiến thức và công việc của mình. Hơn thế nữa, nếu có kiến thức chuyên môn vững chắc, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và sự cẩn thận trong từng công việc, các bạn sinh viên dược học có thể thành công trong công việc của mình. Để hiểu thêm cụ thể về những khó khăn, thuận lợi và công việc của dược sĩ với mỗi vị trí nghề nghiệp, hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của mình nhé.

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!