Bản đồ hướng nghiệp cho dược sĩ: Đảm bảo chất lượng
Nhiệm vụ, kiến thức, kĩ năng cốt lõi và tính cách phù hợp với vị trí đảm bảo chất lượng
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong số lượng sinh viên ngành Dược tốt nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự tăng trưởng này không đi đôi với cơ hội nghề nghiệp tương xứng trong ngành công nghiệp dược. Điều này phần lớn là do ngành công nghiệp dược trong nước chưa thể bắt kịp với xu hướng và công nghệ tiên tiến quốc tế. Đa số các công ty dược trong nước vẫn tập trung vào sản xuất thuốc generic, nguồn đầu tư cho nghiên cứu phát triển còn hạn chế dẫn đến tác động không nhỏ đến các dược sĩ sản xuất, từ cơ hội nghề nghiệp đến mức lương và sự hài lòng trong công việc.
Số lượng sinh viên ngành Dược ra trường mỗi năm là khá lớn, theo thông tin từ Giáo sư Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội, với khoảng 6.800 người, ước tính có khoảng 1.000 người mong muốn tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất dược phẩm (1). Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật tới ngày 30/05/2024 của Cục Quản lý Dược Việt Nam, chỉ có 280(2) công ty dược đủ điều kiện sản xuất thuốc tại Việt Nam, phần lớn tập trung vào sản xuất thuốc generic. Sự chênh lệch giữa nhu cầu việc làm và số lượng công ty có thể cung cấp công việc chất lượng trong lĩnh vực này là không nhỏ.
Tốc độ già hóa dân số nhanh chóng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng đã tạo ra nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược, nhưng cơ hội này lại bị hạn chế bởi khả năng sản xuất và phát triển sản phẩm trong nước. Một vấn đề nổi bật khác là người dân Việt Nam có xu hướng tin dùng thuốc ngoại hơn là thuốc sản xuất trong nước phần lớn do nhận thức rằng thuốc ngoại có chất lượng cao hơn. Điều này không chỉ dựa vào giá cả thuốc nội thường thấp hơn thuốc ngoại mà còn bởi niềm tin vào các sản phẩm nước ngoài thường có tiêu chuẩn cao hơn, tốt hơn thuốc trong nước. Sự thiếu tin tưởng vào chất lượng của thuốc nội địa làm giảm nhu cầu đối với sản phẩm trong nước, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam.
Do giá thuốc trong nước thấp, các công ty dược Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn trong đó các công ty không thể cải tiến sản phẩm hoặc phát triển công nghệ mới để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Sự thiếu đầu tư vào R&D không chỉ cản trở sự phát triển của ngành dược mà còn giảm cơ hội cho các dược sĩ muốn làm việc trong các dự án nghiên cứu và phát triển mới.
Mức lương và cơ hội nghề nghiệp cho dược sĩ sản xuất tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ giá thuốc thấp. Khi doanh thu của các công ty dược thấp, khả năng của họ trong việc trả lương cạnh tranh cho nhân viên là hạn chế. Điều này làm suy giảm khả năng thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là những người có kỹ năng và trình độ cao, những người có thể tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở các công ty nước ngoài hoặc trong các vị trí khác.
Một nguy cơ lớn đối với ngành công nghiệp dược Việt Nam là các doanh nghiệp trong nước phải tiếp tục huy động vốn thông qua tăng khối lượng và tăng tỷ lệ % cổ phiếu được phép giao dịch. Từ đó dẫn đến nguy cơ "bị thâu tóm" bởi các nhà đầu tư nước ngoài, gây ảnh hưởng nhất định đến bảo đảm an ninh y tế (3). Tuy nhiên, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng mang lại những cơ hội quan trọng. Các dược sĩ Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với công nghệ sản xuất dược phẩm tiên tiến từ nước ngoài, điều này không chỉ nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên môn mà còn có thể tăng mức lương và cải thiện điều kiện làm việc. Việc làm việc trong môi trường có công nghệ cao sẽ giúp các dược sĩ tiếp thu những phương pháp sản xuất hiện đại, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của ngành dược Việt Nam.
Trong ngành công nghiệp dược của Việt Nam, dược sĩ sản xuất đối mặt với nhiều thách thức không chỉ liên quan đến nghiệp vụ mà còn cả các vấn đề địa lý và áp lực công việc, ảnh hưởng đáng kể đến mức độ hài lòng trong công việc của họ.
Một trong những vấn đề nổi bật là số lượng nhà máy dược phẩm tại Việt Nam còn khá hạn chế, và sự phân bố của chúng không đều khắp các tỉnh thành. Có những tỉnh chỉ có một hoặc thậm chí không có nhà máy nào. Điều này tạo ra một thực trạng khó khăn cho dược sĩ sản xuất, nhất là những người trẻ tuổi, khi họ phải chấp nhận làm việc xa quê hương để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp phù hợp. Điều này không chỉ liên quan đến việc đi lại hàng ngày mà còn ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình và ổn định cuộc sống tại một địa phương.
Đối với những dược sĩ đã lập gia đình, mong muốn ổn định cuộc sống tại một địa phương cụ thể cũng trở thành một thách thức lớn. Họ có thể buộc phải chấp nhận làm việc trong môi trường của một nhà máy duy nhất có sẵn ở tỉnh mình sinh sống, dù điều kiện làm việc có thể không như ý muốn. Sự thiếu lựa chọn này không chỉ hạn chế cơ hội phát triển nghề nghiệp mà còn có thể khiến họ cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại.
Bên cạnh những hạn chế về mặt địa lý, dược sĩ sản xuất còn phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất, điều này tạo ra áp lực lớn trong công việc. Quy trình sản xuất dược phẩm yêu cầu độ chính xác cao, mọi sai sót đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà còn có thể hủy hoại danh tiếng và doanh thu của công ty. Áp lực để xuất xưởng sản phẩm đúng thời gian đặt ra bởi cấp trên càng làm tăng thêm gánh nặng này.
Áp lực về mặt kinh tế kết hợp với môi trường làm việc có thể khiến dược sĩ sản xuất cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và thậm chí là kiệt sức. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn có thể dẫn đến suy giảm năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống.
Để cải thiện tình hình, cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ phía nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân vào nghiên cứu và phát triển. Điều này sẽ không chỉ giúp mở rộng cơ hội cho các dược sĩ mới ra trường mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp dược tại Việt Nam. Đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu và cập nhật chương trình học để phù hợp với yêu cầu công nghệ hiện đại và nhu cầu của thị trường dược phẩm toàn cầu cũng là một yếu tố quan trọng.
Khuyến khích vào mô hình phát triển các lab tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ cao, sau đó bán và chuyên giao công nghệ cho các công ty sản xuất dược phẩm khác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường làm việc hỗ trợ, trong đó nhân viên có thể phát triển kỹ năng mà không phải chịu quá nhiều áp lực về mặt kinh tế hoặc hiệu suất. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự hài lòng và giữ chân nhân tài mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích cho cả công ty và người tiêu dùng.
Nguồn tham khảo:
(2): https://dav.gov.vn/danh-sach-cssx-duoc-cap-gmp-cua-dav-cn92.html
(3): https://vnexpress.net/nganh-duoc-dang-thua-tren-san-nha-4760064.html
Đăng nhập để có thể bình luận