Bản đồ hướng nghiệp cho dược sĩ: Thu nhập (9)

Đánh giá một cách toàn diện mức thu nhập bạn nhận được từ công việc, cần nhìn nhận vượt ra ngoài con số lương ghi trên giấy tờ, bao gồm cả chi phí phát sinh và các phúc lợi bạn nhận được

Bản đồ hướng nghiệp cho dược sĩ: Dược sĩ và Thu nhập (9)

PHẦN 1: KHÁM PHÁ BẢN THÂN

Bài 9: Dược sĩ và Thu nhập 

Thu nhập không chỉ là phần thưởng cho công sức và thời gian bạn bỏ ra; nó còn phản ánh giá trị lao động của bạn đối với công việc và xã hội. Thu nhập phù hợp không chỉ đảm bảo bạn có một cuộc sống thoải mái, đáp ứng đủ nhu cầu cá nhân lẫn gia đình, mà còn là động lực để bạn không ngừng nỗ lực và phát triển trong sự nghiệp.

Xác định mức chi tiêu

Bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn cách xác định khoảng thu nhập phù hợp dựa trên nhu cầu chi tiêu cá nhân, bằng cách sử dụng Biểu Đồ Thỏa mãn, hay còn gọi là Đường cong thỏa mãn (Fulfillment Curve).

Biểu đồ này, được giới thiệu qua cuốn "Your Money or Your Life" của Joe Dominguez và Vicki Robin, phân chia thu nhập và chi tiêu thành ba phân đoạn chính: Tồn tại, Thoải mái và Đủ.

Khi mức chi tiêu tăng lên, từ mức cơ bản để 'tồn tại', chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của chúng ta cũng tăng theo, cho đến một điểm nhất định. Điểm này, được gọi là 'Thoải mái', là khi chúng ta cảm thấy hài lòng với những gì mình có mà không cần thêm sự xa xỉ. Khi chi tiêu vượt quá mức này và tiến vào phần 'Đủ', mức độ hài lòng có thể bắt đầu giảm bởi vì thêm chi tiêu không còn mang lại thêm hạnh phúc.

Xác định mức Tồn tại

Đây là mức cơ bản nhất của chi tiêu, bao gồm những nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, đi lại và y tế. Ở mức này, mọi khoản chi đều liên quan trực tiếp đến sự tồn tại và không có dư địa cho sự thoải mái hay xa xỉ.

Các chi phí thường sẽ bao gồm

  • Nhà cửa: Chi phí thuê nhà hoặc trả góp nhà, bảo trì cơ bản.
  • Ăn uống: Chi phí cho thực phẩm cơ bản tại nhà.
  • Dịch vụ sinh hoạt: Tiền điện, nước, gas, và internet cơ bản.
  • Sức khỏe: Bảo hiểm y tế và chi phí thiết yếu cho sức khỏe như thuốc men và khám bệnh định kỳ.
  • Đi lại: Chi phí xăng xe, bảo dưỡng xe để đi làm.
  • Trang phục: Giày dép, quần áo, phụ kiện cần thiết khác.
  • Hiếu hỉ: Biếu tặng, cưới xin, ma chay, thăm hỏi.
  • Con cái, gia đình: Chi phí nuôi dưỡng con cái, gia đình

Xác định mức Thoải mái

Sau khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng, mức chi tiêu thoải mái bao gồm những chi phí cho những thứ không hoàn toàn thiết yếu nhưng đem lại sự dễ chịu, tiện nghi hơn cho cuộc sống.

Các chi phí Thoải mái thường bao gồm các chi phí Tồn tại (có thể được chi tiêu ở mức cao hơn) và các chi phí sau:

  • Giải trí và du lịch: Chi phí cho các hoạt động giải trí như đi xem phim, du lịch ngắn ngày, hoặc các sở thích cá nhân như nhiếp ảnh, vẽ.
  • Hưởng thụ: Chi phí cho những bữa ăn ngoài, mua sắm không thường xuyên như quần áo mốt mới hoặc đồ gia dụng hiện đại.
  • Phát triển bản thân: Các khoản đầu tư vào học tập và phát triển kỹ năng, như các khóa học trực tuyến hoặc hội thảo.
  • Sức khỏe và làm đẹp: Chi phí cho thể thao, gym hoặc spa.

Xác định mức Đủ

Đây là điểm cân bằng, nơi bạn chi tiêu đủ để cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn mà không cảm thấy lãng phí hay tiếc nuối. Ở mức này, các nhu cầu cơ bản của bạn được đáp ứng một cách thoải mái hơn, bạn có thể hưởng thụ sự vui chơi, giải trí hợp với nhu cầu mà không bị quá nhiều áp lực tài chính. Mức thu nhập ở trên mức Đủ cho phép bạn:

Tiết kiệm: Tiết kiệm nhiều hơn cho hưu trí, mua nhà, hoặc các khoản đầu tư khác.

Sang trọng: Chi tiêu cho những dịch vụ cao cấp hơn.

Ví dụ:

  • Giả sử bạn cần ít nhất 3 triệu để thuê một căn nhà nhỏ - đó là chi phí để tồn tại. Nhưng nếu bạn thuê căn nhà rộng rãi hơn với giá 8 triệu, đó là mức “Thoải mái”. Bạn nhận thấy rằng không cần thiết thuê thêm một căn nhà 15 triệu để được thoải mái hơn, thì 8 triệu đã là “Đủ” cho bạn

Áp dụng để xác định mức thu nhập

Tính toán chi tiêu: Ghi lại chi tiêu trong một tháng và phân loại theo các mức Tồn tại, Thoải mái và Đủ.

Bản đồ hướng nghiệp cho dược sĩ: Thu nhập (9) - Ảnh 1

Phân tích thu nhập hiện tại: So sánh thu nhập hiện tại với các mức chi tiêu đã ghi nhận để xác định bạn đang ở mức nào.

Đặt mục tiêu thu nhập: Dựa trên mức độ hài lòng hiện tại và mục tiêu cá nhân, xác định mức thu nhập bạn cần để đạt được mức Tồn tại – Thoải mái; Thoải mái - Đủ; hay trên mức Đủ.

Hãy bắt đầu từ việc đánh giá chi tiêu và thu nhập hiện tại, từ đó đặt ra các mục tiêu thu nhập phù hợp để phát triển sự nghiệp một cách bền vững.

Hiểu đúng về mức thu nhập thực tế

Đánh giá một cách toàn diện mức thu nhập bạn nhận được từ công việc, cần nhìn nhận vượt ra ngoài con số lương ghi trên giấy tờ, bao gồm cả chi phí phát sinh và các phúc lợi bạn nhận được. Dưới đây là cách bạn có thể xác định mức thu nhập thực tế theo giờ làm việc của mình:

Tính thời gian làm việc thực tế

Để hiểu rõ thu nhập thực tế của mình, bạn cần tính toán tổng số giờ làm việc mà công việc đòi hỏi, bao gồm:

  • Tính tổng số giờ bạn thực sự cần để hoàn thành công việc, ít hơn hay nhiều hơn số giờ theo quy định.
  • Tính thời gian di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại.

Tính toán chi phí liên quan đến công việc

Một bước quan trọng nữa là xác định các chi phí phát sinh trong quá trình làm việc mà bạn phải tự chi trả:

  • Quần áo, mỹ phẩm phục vụ cho công việc.
  • Chi phí xăng xe, điện thoại di động.
  • Chi phí ăn uống ngoài trời nếu bạn thường xuyên phải ăn trưa tại nơi làm việc hoặc dùng bữa với khách hàng, đối tác.
  • Chi phí chăm sóc khách hàng

Tính các phúc lợi từ công việc

Bên cạnh lương cơ bản, các phúc lợi khác cũng góp phần vào thu nhập tổng thể của bạn:

  • Tiền thưởng, phụ cấp.
  • Dịch vụ y tế
  • Mức đóng bảo hiểm.
  • Số ngày nghỉ phép có lương.
  • Cơ hội học tập, đào tạo

Ví dụ minh họa:

Giả sử bạn làm việc tại một công ty với lịch trình như sau:

  • Bạn làm việc 8 tiếng một ngày, 20 ngày một tháng, nhưng thực tế bạn cần tăng ca thêm 1 giờ mỗi ngày để hoàn thành công việc. Tổng cộng bạn làm việc 180 giờ mỗi tháng.
  • Thời gian di chuyển mất 1 tiếng mỗi ngày, tổng cộng 20 giờ mỗi tháng.
  • Tổng thời gian bạn cần cho công việc là 200 giờ mỗi tháng.

Giả sử công ty trả bạn 7 triệu đồng mỗi tháng, nhưng bạn phải trừ đi 1,1 triệu đồng cho các khoản chi phí phát sinh. Vậy số tiền bạn được trả cho 1 giờ làm việc sẽ là: (7 triệu – 1,1 triệu)/ 200 giờ = 29,5 k/ giờ.

Hiểu rõ cách tính toán này giúp bạn đánh giá chính xác giá trị thời gian lao động của mình và quyết định liệu công việc hiện tại hoặc tương lai có thực sự phù hợp với nhu cầu và mục tiêu tài chính của bạn hay không.

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!